Tết truyền thống trong thời 4.0
Du lịch - Ngày đăng : 03:00, 01/02/2022
1.
Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới đã mang đến những sinh hoạt mang tính quốc tế, như từ cuối tháng 11 đến Giáng sinh và Tết dương lịch có nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, từ lễ hội đến khuyến mãi hàng hóa... Nhịp sống đô thị và công nghiệp đã phổ biến ở các thành phố lớn, nơi có hàng triệu người nhập cư, nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Do đó, ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà, cha mẹ. Dịp Tết với người Việt là lúc ông bà, cha mẹ được gần gũi con cháu; con cái thể hiện sự chăm sóc ân cần với cha mẹ, ông bà; là dịp để gia đình gắn bó với nhau hơn. Tuy nhiên, không nhiều gia đình Việt Nam còn giữ được tập tục này vì con cháu thường sống riêng, có khi ở xa không có điều kiện về thăm gia đình, nhất là vào dịp Tết tàu xe khó khăn. Bù lại, bây giờ có điện thoại, có Internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có thể thăm hỏi ông bà, cha mẹ bất cứ lúc nào. Nhờ đó, những ngày Tết vẫn "gặp mặt" nhau để thể hiện tình cảm gia đình.
Ngày trước, chuẩn bị cho ba ngày Tết phải từ đầu tháng Chạp, chủ yếu lo cái ăn: mua trữ gạo, nếp, đậu, bánh, kẹo, măng, miến... mua rau củ làm các loại dưa muối. Từ ngày 23 ông Táo về trời là lo tìm mua thịt, giò chả, chuẩn bị gói bánh và những món ăn truyền thống. Rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu cúng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa.
Bây giờ, ăn Tết, chơi Tết đã có dịch vụ "từ A-Z", có tất cả các loại thực phẩm đến các tour du lịch theo nhu cầu. Ở các thành phố lớn hầu như không cần lo lắng đến thực phẩm vì chỉ đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Vật phẩm dâng bàn thờ ông bà, mâm cơm cúng trưa hay chiều 30 vẫn đầy đủ những món ăn truyền thống mà không cần vất vả như xưa; muốn chưng hoa đào Hà Nội hay hoa mai Sài Gòn đều có.
Bây giờ, người đô thị lo "chơi Tết" hơn "ăn Tết". Từ tháng 9, tháng 10 đã tìm mua tour du lịch Tết, mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết người về quê, người du lịch trong ngoài nước, thành phố bỗng yên tĩnh lạ lùng. Tuy vậy, Tết vẫn đáng yêu vì cái vẻ "truyền thống mà hiện đại", nhưng cũng có đôi chút ngậm ngùi. Dường như cái bận rộn của sự lo lắng, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp giờ chỉ còn là ký ức.
2.
Xưa nay, ngày lễ, Tết, người Sài Gòn đều thích ra ngoài ăn tiệm, có bạn bè thì rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Các bà, các cô nội trợ cũng hay mua thực phẩm làm sẵn. Việc đặt giò chả, bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn phổ biến từ rất lâu rồi, do lối sống đô thị nên các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, có thể đến thăm vào trước hay sau Tết, miễn là thuận tiện cho cả hai bên.
Sài Gòn ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy luôn có nhiều đặc sản vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn có thể thưởng thức nhiều món ăn lạ chứ không chỉ những món truyền thống. Tết cũng là dịp Sài Gòn đón nhiều người Việt sống ở nước ngoài về thăm gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn, các khu vui chơi giải trí, rạp phim, rạp hát, hàng quán mở như ngày thường, nhiều quán bán từ sáng mùng một, giá đắt hơn nhưng ai cũng chấp nhận vì "Tết mà!". Được "ăn theo" là dịch vụ giữ xe, bán hàng rong. Ở các thành phố với nhu cầu dịch vụ cao, Tết còn là dịp "kiếm thêm" của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể xem là sự "phân phối lại thu nhập" giữa các tầng lớp trong xã hội.
Mươi năm gần đây, nhiều gia đình trẻ thích du lịch mỗi khi Tết đến - một cách nghỉ lễ được du nhập từ phương Tây. Cũng có thể xem đó là hệ quả tất yếu của lối sống công nghiệp, hằng ngày quá bận rộn mưu sinh nên lễ, Tết trở thành thời gian riêng tư ngơi nghỉ. Tuy nhiên, không phải Tết nào họ cũng đi như vậy, vì còn những mối quan hệ với gia đình cha mẹ hai bên cần phải chu toàn. Hơn nữa, với gia đình trẻ mà hằng ngày chỉ thích ăn tiệm, Tết nhất để bếp nhà lạnh tanh thì... dễ "sinh chuyện", vì với người Việt, bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh hoạt gia đình, duy trì quan hệ gia đình. Ngày Tết, bữa ăn gia đình lại càng có giá trị.
Một điều thú vị là hiện nay trong nhiều gia đình, dịp Tết đã có sự thay đổi theo xu hướng "vừa đủ” với việc mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí... Tùy vào điều kiện của từng người, từng gia đình mà mức độ "vừa đủ” cũng khác nhau. Đồng thời, nhiều bạn trẻ cũng biết dung hòa nhu cầu "tự do" và nhu cầu "đoàn viên" để tránh mất vui trong những ngày nghỉ Tết.
Cũng như những món ăn ngày Tết, nhiều sinh hoạt Tết xưa không còn nữa. Cũng may là có báo chí, sách vở, phương tiện kỹ thuật lưu giữ và truyền lại cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống hiện đại phải theo tất cả phong tục cũ vì có những điều không còn phù hợp. Mặt khác, bảo tồn không phải là giữ nguyên truyền thống, mà chỉ nên giữ phần tinh túy nhất, phần làm nên bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.
Sau một năm đại dịch khắc nghiệt và những tháng "lockdown" căng thẳng, phần lớn người nhập cư đã trở về quê, chưa thể quay lên thành phố. Người thành phố cũng bị cắt đứt khỏi những sinh hoạt và quan hệ giao tiếp bình thường với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Tết Nhâm Dần là dịp để mọi người mở lòng và đón nhận sự quan tâm, tình cảm của gia đình, bè bạn, trân quý hơn sự hiện diện mỗi ngày bên nhau.