2022 - Niềm tin của doanh nhân FDI

Thời sự - Ngày đăng : 07:00, 02/02/2022

Trước nhiều dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo, cùng đó là hàng loạt chính sách phát triển kinh tế cởi mở, thông thoáng hơn, đặc biệt là nền chính trị ổn định, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến được các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chọn đầu tư.

Ông Kang Myeong Il - Tổng Lãnh sự quán Đại Hàn Dân quốc tại TP.HCM

tong-lanh-su-han-quoc-8753-1643273179.jp

Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch và sẽ tiếp tục tăng trưởng theo dự báo của nhiều tổ chức đánh giá uy tín trên toàn cầu. Đó chính là nền tảng để doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng đầu tư vào Việt Nam. Hiện doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 3/4 trong ngành chế tạo. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp này xây dựng nhà máy, sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Khởi đầu từ các ngành dệt may, may mặc, giày dép và trở nên đa dạng với các ngành như điện tử, thép, IT... gần đây, họ quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng như khu đô thị smart city, xây dựng sân bay quốc tế, nhà máy phát điện... Cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này đã chứng minh được ngành chế tạo có vai trò cực kỳ quan trọng. Ngành du lịch sẽ dần hồi phục trở lại từng bước một, nhưng ngành chế tạo cho thấy sự phục hồi rất nhanh. Tôi cảm thấy tự hào khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đang là nhà đầu tư đứng đầu ở ngành chế tạo. Sau này, Hàn Quốc sẽ đầu tư đa dạng lĩnh vực như chế tạo, ô tô, cơ sở hạ tầng, tài chính... đồng thời đóng góp vào sự phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông Watanabe Yukata - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghiệp TOWA (Việt Nam)

Watanabe-Yukata-2884-1643273179.jpg

So với nền kinh tế năm 2021, tôi cho rằng năm 2022 tình hình dịch bệnh trở nên ổn định hơn, ảnh hưởng do chủng Omicron gây ra không còn nặng nề như trước, tình trạng giãn cách xã hội không còn căng thẳng như năm vừa qua thì chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng vượt trội hơn so với trước khi có dịch.

Tôi đưa ra quan điểm như thế vì tình hình kinh tế của Việt Nam trước khi có dịch Covid-19 vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không chỉ lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn các ngành nghề khác nữa. Ngoài vùng trọng điểm lớn như TP.HCM thì tại các tỉnh, thành khác cũng đang dần phát triển từng ngày, công ty chúng tôi cũng có một nhà máy sản xuất ngay tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long. Tại KCN Hòa Phú, ngoài công ty chúng tôi cũng có rất nhiều công ty đa quốc gia khác đã đi vào hoạt động hoặc đang trong quá trình xây dựng.

Từ trước giờ, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang hướng suy nghĩ đến việc đầu tư vào thị trường Việt Nam và Myanmar. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình chính trị của hai nước, chúng tôi vẫn lựa chọn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

Tiếp đến, khi nhìn vào tình hình ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan thì Việt Nam nằm ở vị trí trung lập, bên cạnh đó vào ngày 15/11/2021 vừa qua Hiệp định RCEP cũng vừa được ký kết tạo ra một sàn thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các nước thuộc khu vực ASEAN do đó hạng mức quy đổi ngoại tệ cũng dần ổn định. Qua đó, có thể thấy rằng vào năm 2022 sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Việt Nam sẽ bắt đầu hồi phục kinh tế và trở lại phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

Với triển vọng kinh tế lạc quan, công ty chúng tôi đang có ý định sẽ mở rộng quy mô ba nhà máy đang hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Hiện tại, chúng tôi đã và đang tiến hành hoàn tất các thủ tục xin cấp mới giấy phép đầu tư. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng dự định sẽ mở rộng công năng sản xuất ở nhà máy Southern Star tại KCN Hòa Phú - Vĩnh Long. Tuy nhiên, với tình hình "giảm sinh sản" nói chung tại Việt Nam gây ra tình trạng bất ổn về nguồn nhân lực, nhìn thấy được điều đó chúng tôi cũng đang suy nghĩ, chế tạo các loại máy móc, robot ứng dụng trong quy trình sản xuất nhằm cân bằng tình hình lao động tại công ty cũng như hướng đến phát triển tự động hóa, hiện đại hóa các công đoạn trong tương lai sắp tới.

Ngay khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, tôi sẽ thảo luận với công ty mẹ bên Nhật Bản để bắt tay vào thực hiện các mục tiêu sớm nhất có thể.

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc đối ngoại Intel Products Việt Nam

ba-Uyen-8944-1643273179.jpg

Theo tôi, trưởng vọng kinh tế năm 2022 không chỉ tùy thuộc vào tình hình thế giới khống chế được dịch bệnh Covid-19, mà Việt Nam sẽ chịu tác động không ít về giao thương lẫn đi lại. Sau đại dịch, các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian để phục hồi sản xuất kinh doanh, nên rất cần Chính phủ có các chính sách vĩ mô dài hạn lẫn cơ chế vận hành các thủ tục hành chính hiệu quả từ trên xuống. Tránh tình trạng "trên rải thảm dưới rải đinh" thì mới hy vọng các doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi và tăng tốc như kỳ vọng. Nhà máy Intel Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lắp ráp và kiểm định của cả tập đoàn. Chúng tôi cam kết đồng hành với Việt Nam trong giai đoạn "bình thường mới", sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào các sản phẩm công nghệ mới nhất lẫn đào tạo nâng cao cho nguồn nhân lực trong năm nay và tương lai.

Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện văn phòng JETRO TP.HCM

Truong-dai-dien-JETRO-tai-TPHC-4187-3318

Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 từ 6-6,5%. Nhận định của các tổ chức quốc tế như World Bank và Asian Developer Bank là 5,5% và 6,5%. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh trong năm 2022, so với 2,58% năm 2021. Nhờ những biện pháp chặt chẽ và định hướng tốt của chính sách "bình thường mới" do chính phủ Việt Nam ban hành mà các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có những bước hồi phục. Theo khảo sát của Jetro và JCCH  vào tháng 11/2021, 63% các công ty trong JCCH bị ảnh hưởng nặng nề trong quý III/2021, nhưng 44% các công ty có hy vọng sẽ tăng doanh thu trong năm 2022.

Theo khảo sát gần đây nhất của Jetro, hơn một nửa các công ty Nhật Bản tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 122 năm tới. Vì khảo sát này lại được thực hiện trong thời gian lockdown (phong tỏa), nên kết quả khảo sát phần nào phản ánh rõ sự vững chắc kinh tế của Việt Nam, như là nguồn lao động có kỹ năng dồi dào và nền kinh tế nội địa phát triển tốt. Các yếu tố này không hề thay đổi ngay cả khi Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài khi mà các doanh nghiệp có cơ hội đến Việt Nam khi chuyến bay quốc tế mở lại trong năm 2022.

Ông Erick Contreras - Tổng giám đốc BASF Việt Nam

Erick-Contreras-JPG-6585-1643273179.jpg

Mặc dù chịu nhiều tác động nặng nề do Covid-19 gây ra, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2021 ở mức 2,38%. Nhiều tổ chức uy tín đã dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2022, với tiềm năng tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%. Chính phủ cũng tự đặt mục tiêu riêng là đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5%. Đối với BASF - công ty hóa chất có trụ sở tại Đức và hoạt động tại Việt Nam đã 27 năm, chúng tôi hy vọng 2022 sẽ là một năm tươi sáng khi nền kinh tế tái mở cửa, giúp thu hút thêm nhiều FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước hồi phục.

Với hơn 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Cùng với đó, chính sách nới lỏng các quy định cách ly đối với du khách nước ngoài kể từ tháng 1/2022 sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp địa phương sớm khôi phục đầy đủ các hoạt động và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch quay lại sau một thời gian dài gián đoạn. Trên thực tế, nhiều dịch vụ bao gồm nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại chỗ đã được mở cửa trở lại và gần đây một số địa phương đã đón những du khách nước ngoài đầu tiên.

Mặt khác, Việt Nam đang ngày càng trở nên một thị trường hấp dẫn nhờ một loạt hiệp định thương mại đã được ký kết thành công như EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) và gần đây là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới được ký kết bởi 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Với những đòn bẩy này, kinh tế Việt Nam đang tăng tốc so với các nước láng giềng ASEAN, tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng và chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc của các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Năm 2022, chúng tôi cũng kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong ngành giày dép, dệt may và điện tử, sẽ nhanh chóng phục hồi, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. BASF cung cấp các giải pháp polyurethane tiên tiến giúp tạo ra sản phẩm giày dép thể thao nhẹ hơn, thoải mái hơn và thời trang hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu nhiều giải pháp đa dạng giúp tăng chất lượng và tính bền vững cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn và các rào cản kỹ thuật khác của thị trường nhập khẩu.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể cân bằng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, theo đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế tuần hoàn và các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời triển khai các chính sách môi trường mới thành công. Là một trong những quốc gia đối mặt với thách thức về rác thải nhựa nghiêm trọng hàng đầu thế giới, Việt Nam đang nâng cao các biện pháp quản lý rác thải nhựa nhằm giảm các tác động đến môi trường, đồng thời tăng cường khả năng tái chế nhựa. 

Tại BASF, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm nhựa và chất phụ gia ưu việt giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, hỗ trợ việc phân loại và tái chế nhựa hiệu quả hơn. Chúng tôi mong những công nghệ sáng tạo này có thể giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với thách thức do rác thải nhựa mang lại.

Nhân dịp này, tôi gửi lời chúc đất nước Việt Nam một năm mới Nhâm Dần gặt hái thật nhiều thành công trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến và hợp tác trong nước, quốc tế.

Quốc Hùng