Tết năm Cọp, bàn chuyện… o Mèo
Đời thường - Ngày đăng : 02:23, 05/02/2022
Oách quá. Đúng là thuở ấy, mình thiệt oách.
Tóm lại cái thời còn trẻ ấy, sung sướng nhất vẫn là những lúc phóng bút làm thơ tình tràng giang đại hải tặng cho mai, lan, cúc, trúc một cách hào hứng nhất. Nói nôm na, dân dã nghe tức cười hơn là hễ "thích thì nhích", chẳng sợ gấu mẹ lù lù canh me trông phát khiếp. Chẳng e dè. Không lo sợ. Thích thì tán tỉnh. Thích thì tỏ tình. Ấy là lúc ai đó bước ra từ thơ Huy Cận: "Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẻ” đã thốt lên tiếng lòng như của chàng trai đáng yêu trong câu ca dao bao đời nay nay vẫn vang vọng:
"Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ"
Còn một khi đã có vợ thì... lại khác. Thí dụ, vừa thấy chồng bước ra khỏi nhà, cô vợ dịu dàng bắt nọn: "Chà, bữa nay anh chưng diện láng cóng, ăn mặc bảnh tỏn chắc đi o mèo". O là o bế, đeo đuổi tán tỉnh, chiều chuộng. Người chồng đáp: "Em tào tháo ghê. Anh đi chúc Tết sếp", ý muốn nói cô vợ đa nghi quá, chàng ta đi công việc chính đáng chứ nào phải đi gạ gẫm, thả thính, tán tỉnh cô nào đâu. Mà, tại sao con mèo lại xuất hiện trong ngữ cảnh này? Ca dao Nam Bộ có câu:
Ba má bày đặt cho anh
Áo bà ba may hai cái túi đựng dầu chanh o mèo
"Mèo, o mèo" là từ bông phèn nhằm ám chỉ nhơn tình nhơn ngãi của chồng kiểu như Hoạn Thư đánh giá vai trò của Thúy Kiều lúc lang chạ với Thúc Sinh. Không những thế, người miền Nam còn có từ "liếc mèo": liếc mắt đưa tình với phụ nữ (Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên). Nhưng tại sao phải là mèo, chứ không phải là con gì khác? Có lẽ gọi mèo vì trong tâm thức người Việt đã thành kiến với loại "mèo mả gà đồng", "mèo đàng chó điếm" - cũng mèo, gà, chó thân thuộc, đáng yêu nhưng lại là loại hoang đàng chi địa, trắc nết, hư hỏng. Vì thế, Hoạn Thư mới mắng mèo của chồng:
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Từ thành kiến trên mới dẫn tới liên tưởng này, hễ cô ả nào léng phéng với chồng mình chỉ là mèo. Giải thích này hợp lý không? Nếu không xin cứ hỏi... con mèo, xem nó trả lời thế nào?
Trong khi chờ đợi, hãy tiếp tục câu chuyện đang bàn, ví dụ đứa trẻ từ Sài Gòn ra chơi Quảng Nam, lúc đi ngang Ngũ Hành Sơn, bạn chỉ tay giới thiệu: "Cua kìa, cua kìa". Ngạc nhiên quá, nó chẳng hề thấy con cua ở đâu cả, thì ra âm "oi", với người Quảng Nam đã biến thành "ua". "Đời cua cua máy đời cáy cáy đào" là đời nào lo cho đời đó, mỗi người tự lấy số phận, cuộc sống của chính mình, chẳng khác gì "Đời cha cha lo, đời con con liệu". Nhưng "cua" còn hàm nghĩa... tán tỉnh. Chẳng hạn, một người nhận xét: "Chà, hôm nay hắn ta ăn mặc bảnh tỏn ghê ta. Cái đầu thoa dầu láng mướt, áo ủi thẳng thớm lại bỏ vào thụng, chắc là đi cua gái". Thì "cua" trong ngữ cảnh này chính là "o".
Ruộng gò cấy lúa Nàng Co
Thương anh thì thương đại, đừng để anh gò mất công
Ruộng gò tức ruộng ở cuộc đất cao, còn gọi ruộng cao. Mà gò ở câu tám, còn hiểu là cua - nhằm chỉ hành động tán tỉnh, dỗ dành, ve vãn người đẹp như cua đào, cua ghệ. Ghệ là biến âm của gái. Mà gò cũng đồng âm với... gò - như tục ngữ có câu: "Gò với núi cũng kể loài cao/ Bể với ao cũng kể loài trũng" thì gò lại là đống đất cao nổi lên ở nơi bằng phẳng. Gò cương ngựa tức trì, co, kéo dây cương đặng cầm chân ngựa. Mà gò cũng là gọt dũa, nắn nót cẩn thận từng chút một, chẳng hạn một người nhận xét: "Cậu ấy khi viết văn gò từng chữ". Câu ca dao trên, "gò” được hiểu theo nghĩa tán tỉnh, ve vãn. Còn từ gì nữa ta?
Ruộng gò cấy lúa Ba Xe
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành
Sự dí dỏm, tinh nghịch gói gọn trong từ "để dành" rất ư láu cá. Ve cũng hàm nghĩa như o, gò, cua. Đi vào phương Nam nghĩa tình nắng ấm, ai lại không nhớ đến câu hát huê tình bay bướm:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm
Nhưng ve cũng là be, chai, lọ dùng để đựng chất lỏng:
Cô về chợ Thủ bán hũ bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu
Ve và chai một khi đi chung khắng khít, trở thành "ve chai" thì lại làm nghĩa thu mua đồ lặt vặt, đã cũ, đã hỏng, hằm bà lằn xắn cấu, chứ không chỉ ve, chai. Còn có từ cùng nghĩa là đồng nát:
Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha
Ngoài các từ o, gò, cua, ve chỉ cái sự tán tỉnh người đẹp còn có thể kể thêm từ gì nữa? Trong truyện dài Như thiên đường lạnh (NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2017), nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ viết: "Lủy tính chim con em bà con của em đó” (trang 84). Hoặc trong kiệt tác Số đo, cha đẻ của Xuân Tóc đỏ viết: "Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma". Chim là tiếng lóng nhằm chỉ tán tỉnh, gạ gẫm.
Tiếng Việt mình kỳ diệu, lắt léo lẫn cắc cớ quá, phải không? Điều này ta thấy gì? Chữ không chỉ là chữ ngoài việc phản ánh bản sắc văn hóa, lời ăn tiếng nói cư dân vùng miền, mà còn phản ánh tâm lý của người sử dụng trong lúc đó.
Nếu cô nàng vẫn phòng không bóng chiếc, vẫn "lính phòng không"? Thì ta cứ tiếp tục gò, cua, o, ve... chứ nào sợ gì. Chỉ sợ là sợ, một khi mình đã yên bề gia thất, đã đi thưa về trình, đã "gấu mẹ vĩ đại" lù lù đứng sau lưng thì chớ hòng "thả thính", chớ hòng đuổi bướm bắt chim như thời trai trẻ đơn thân độc mã; chớ hòng "khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng"... Nghĩ thế, không ít bậc hiền nhân quân tử "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" ngậm ngùi nhớ lại thuở vàng son rực rỡ bèn thở ngắn than dài, ngửa mặt lên trời gào một câu thảm thiết rúng động bốn phương như con cọp trong Thảo Cầm Viên: "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu".
Tội nghiệp chửa!