Trưng cầu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ

Trong nước - Ngày đăng : 01:40, 08/02/2022

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân cho ý kiến về các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đường bộ. Thời hạn lấy ý kiến khảo sát từ nay đến 10/2/2022. Phiếu khảo sát và trưng cầu ý kiến được đăng tải trên trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: https://drvn.gov.vn/.
Trưng cầu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ

Phiếu khảo sát và trưng cầu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ trên trang web Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Nội dung Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần trưng cầu có 2 điều, đó là: 1/ Ý kiến về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; 2/ Ý kiến về việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sang Bộ Công an. 

Người dùng có thể tham gia khảo sát và trưng cầu ý kiến tại đây.  

Trước đó, vào cuối tháng 1/2022, hội nghị về dự thảo Luật giao thông đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến có sự tham gia của Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố, 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe nhằm lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong dự thảo Luật Đường bộ. 

So với lần trình Quốc hội hồi tháng 10/2020, dự thảo lần này có điểm mới đó là đổi tên Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ; giảm từ 102 điều luật xuống còn 100 điều; đã bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; tăng cường phân cấp đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì quốc lộ; cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm; giao thẩm quyền Chính phủ quy định đối với các loại hình kinh doanh vận tải mới phát sinh.

Luật giao thông đường bộ tiếp tục được thiết kế theo hướng tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 

Hầu hết các đại biểu tham gia đều cho rằng không nên tách thành 2 Luật, cũng như không đồng ý thay đổi thẩm quyền cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng nếu tách thành hai luật, Luật Đường bộ sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Trật tự, ATGT đường bộ cũng không đầy đủ, bởi quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều vấn đề liên quan đến bảo đảm ATGT, với nhiều nội dung đan xen, không thể tách rời. Bên cạnh đó, các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về ATGT phải được thực thi nghiêm minh, kịp thời, như các quy định, nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để “phạt nguội”. Việc tách thành 2 luật sẽ làm rườm rà, khó giải quyết các vấn đề ATGT phát sinh trong đời sống xã hội...

8-2-22-pic-1-5482-1644316448.jpg

Mẫu giấy phép lái xe do Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ban hành hiện đã được quốc tế công nhận

Ông Quyền cũng không đồng ý việc chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, với lập luận hầu hết các nước trên thế giới đều giao việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho dân sự quản lý. Khi tách giữa bên thực hiện công tác này với lực lượng kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hiệu quả kiểm tra giám sát sẽ cao hơn. Nếu gộp chung vào một chỗ, vừa làm vừa kiểm tra, giám sát sẽ làm yếu đi việc kiểm tra giám sát cũng như làm yếu đi việc  đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. 

Nhiều ý kiến từ các Sở GTVT cũng không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sang Bộ Công an. Thêm vào đó, GPLX của Việt Nam hiện đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp GPLX quốc tế và việc đổi GPLX cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 được người dân đánh giá cao.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, có 63,79% đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, ATGT đường bộ và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Thanh Ngô