Phim Việt chiếu rạp kỳ vọng khởi sắc

Thư giãn - Ngày đăng : 01:00, 26/02/2022

Trải qua nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, phim Việt chiếu rạp đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc và dần dần hồi phục trong năm 2022.
Phim Việt chiếu rạp kỳ vọng khởi sắc

Nỗ lực vượt khó

Có thể thấy, 2021 là một năm cực kỳ khó khăn với phim Việt chiếu rạp, khi trải qua hơn 6 tháng “nằm yên” vì rạp phải đóng cửa hoàn toàn để phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù vào cuối tháng 11/2021 rạp chiếu phim được mở cửa trở lại ở TP.HCM - nơi chiếm 40% doanh thu của phòng vé cả nước, cũng như có nhiều phim “bom tấn” ngoại được công chiếu nhưng sự phục hồi khá chậm; tổng doanh thu của những rạp chiếu được mở cửa trở lại chỉ đạt 30-40% so với thời điểm không có dịch Covid-19. Ở thời điểm cuối năm 2021, “tránh bão” Spider-Man: No Way Home, Fast & Furious 9 nên chỉ có duy nhất Rừng thế mạng - phim Việt thể loại sinh tồn đầu tiên mạnh dạn ra rạp. Doanh thu hơn 12 tỷ đồng, tuy khá thấp để hoàn vốn sản xuất song vẫn được xem là tín hiệu đáng mừng trong hoàn cảnh “bình thường mới”.

Đầu năm 2022, nhờ không phải cạnh tranh với “bom tấn” của Hollywood nên các phim Việt như Chìa khóa trăm tỷ, 1990, Nhà không bán, Mưu kế thượng lưu, Trạng Tí phiêu lưu ký đã chung sức làm nên mùa phim Tết Nhâm Dần. Vì rạp ở Hà Nội - chiếm trên 20% tổng doanh thu phòng vé cả nước - và các tỉnh miền Bắc còn đóng cửa nên doanh thu 70 tỷ đồng của Chìa khóa trăm tỷ được xem là khả quan. Từ ngày 10/2/2022, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc dần được mở cửa rạp trở lại, đã góp phần tăng doanh thu cho Chuyện ma gần nhà - công chiếu sau mùa phim Tết đã cán mốc hơn 40 tỷ đồng, Bẫy ngọt ngào với trên 12 tỷ đồng sau ngày cuối tuần đầu (từ 11-13/2/2022).

Chìa khóa trăm tỷ hay Chuyện ma gần nhà đã tạo ra “cú hích” cho thị trường điện ảnh sau Tết Nguyên đán, với loạt phim Việt khác đang chờ ngày ra rạp. Có thể kể như Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh) khởi chiếu từ ngày 18/2, Người lắng nghe: Lời thì thầm (đạo diễn Khoa Nguyễn) và Mến gái miền Tây (Võ Đăng Khoa sản xuất) cùng ra mắt ngày 4/3, Bóng đè (đạo diễn Lê Văn Kiệt) công chiếu vào ngày 8/3, 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) công bố chiếu rạp từ ngày 25/3, Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) ra mắt trong tháng 4, Thanh Sói (Ngô Thanh Vân đồng đạo diễn) và Nghề siêu dễ (đạo diễn Võ Thanh Hòa) dự kiến công chiếu ngày 30/4. Ngoài ra còn có Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần), Đất rừng phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Người đẹp Tây Đô: Chuyện đời chưa kể, Quỳnh Hoa Nhất Dạ (đạo diễn Lý Minh Thắng), Huyết rồng (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), Đêm tối rực rỡ, Dân chơi không sợ con rơi, Thành phố ngủ gật, Kẻ đào mộ, Mật mã 45: Ma đói, Quần xì kỳ diệu, Vinaman, Trưng Vương, Số đỏ, Sơn Tinh - Thủy Tinh đều  dự kiến công chiếu trong năm nay.

Chất lượng quyết định

Chia-khoa-tram-ty-5604-1645779331.jpg

Cảnh trong phim Chìa khóa trăm tỷ

Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn trong hai năm qua, khiến các chủ rạp phải lên tiếng kêu cứu, nhiều nhà sản xuất phải cầm cố hoặc bán nhà cửa, xe cộ, tài sản có giá trị lớn. Song với số lượng phim kể trên và còn nhiều phim khác chưa lộ diện, cho thấy các nhà đầu tư và đội ngũ sản xuất vẫn rất nỗ lực để không đứt gãy sự hiện diện của phim Việt trên thị trường. Khá hài lòng với doanh thu gần 30 tỷ đồng của Nhà không bán, nhà sản xuất Mega GS cho biết: “Ở thời điểm này, hòa vốn và có lời chút đỉnh là mừng rồi. Nhiều người nói nếu Nhà không bán chiếu vào dịp 30/4 khi hệ thống rạp đã mở cửa hoàn toàn thì doanh thu sẽ khá hơn. Tuy nhiên, dù vaccine được phủ rộng nhưng dịch bệnh vẫn chưa hết, khán giả sẽ còn dè dặt, lịch phát hành “xếp hàng” dày đặc nên phim càng lâu ra rạp thì nhà đầu tư, nhà sản xuất càng áp lực về tài chính, vì phải trả lãi vay và không có vốn để xoay vòng. Chưa kể, phim chậm ra rạp, dời đổi phát hành sẽ khiến chi phí PR đội giá lên cao mà hiệu quả tiếp thị và quảng cáo thấp, nên không thể chờ hay kén chọn thời điểm ra rạp thuận lợi nữa”. Một nhà sản xuất khác cũng cho rằng, năm 2022 sẽ không dễ dàng để có được những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, hay có phim xô đổ cột mốc doanh thu hơn 420 tỷ đồng như Bố già sau Tết Nguyên đán 2021.

Về phía khán giả, đại diện của hệ thống rạp Lotte Cinema cho biết: “Theo đánh giá của tôi, trong năm 2022, khi người dân thích nghi dần với trạng thái bình thường mới, rạp phim có thể phục hồi được khoảng 70-80% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch)”. Không chỉ nhiều phim nằm chờ để chớp cơ hội ra rạp, mà “sự cạnh tranh giữa các phim Việt trong năm 2022 sẽ khốc liệt hơn, yếu tố sống còn của một bộ phim sẽ nằm ở chính chất lượng của nó. Khán giả sẽ ủng hộ phim Việt, nếu đó là một tác phẩm hay, có sự đầu tư lớn về chất lượng nội dung lẫn dàn dựng. Hiệu ứng truyền miệng lan rộng trong dư luận sẽ kéo khán giả đến rạp”, nhà sản xuất phim Nhà không bán và đạo diễn Trần Hữu Tấn của phim Rừng thế mạng cùng nhận xét.

Ngoài sự cạnh tranh với chính phim Việt, thì phim Việt chiếu rạp năm nay còn phải cạnh tranh với rất nhiều phim “bom tấn” ngoại, trong đó không ít tác phẩm từng phải hoãn hay dời lịch chiếu bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đặc biệt là phim chiếu mạng đang “nở rộ”.

Có thể thấy, việc tập trung đầu tư vào giải trí mạng có thu phí được đẩy mạnh ở Việt Nam sau ảnh hưởng lớn đến thị trường từ đại dịch Covid-19. Gần đây, K+ rồi VieON, hay Galaxy Play đã công bố hơn 20 phim bộ độc quyền chất lượng cao sẽ chiếu trên nền tảng có thu phí này trải dài suốt cả năm 2022. Nhiều đạo diễn tên tuổi của phim Việt chiếu rạp như Nguyễn Quang Dũng, Bùi Thạc Chuyên, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, Phan Đăng Di... đã và đang có sản phẩm thực hiện cho các nền tảng này.

Phúc Đan Khanh