Viết sách không khó như bạn nghĩ?
Sách hay - Ngày đăng : 06:00, 27/02/2022
Giai đoạn đầu, tôi lao vào viết với tất cả cảm xúc và sự thôi thúc bên trong. Nhưng chỉ được hai tuần, tôi không còn ý tưởng, mọi thứ bị chững lại, tôi trì hoãn việc viết. Với tôi, viết sách lúc đó rất khó! Bẵng đi một thời gian, trong lúc dọn dẹp nhà, tôi tìm được những bản thảo tôi từng viết trước đây. Bấy giờ, tôi nghiêm túc nhìn nhận, suy nghĩ và thực sự muốn viết nên một quyển sách có giá trị, chứ không phải là viết cho oách nữa. Bắt đầu viết, tôi cam kết với chính mình, dành khoảng 4 tiếng, từ 5-9 giờ sáng mỗi ngày ngồi vào bàn, tìm hiểu thông tin và viết.
Thuyết trình bằng câu chuyện là một chủ đề tôi rất đam mê, chính điều này đã thay đổi phong cách sống cũng như sự nghiệp của tôi. Nhờ công việc đào tạo và huấn luyện đang làm, tôi được gặp và kết nối với rất nhiều người, từ các bạn trẻ mới ra trường đến các anh chị doanh nhân thành đạt, những người có vị trí nhất định trong xã hội. Trong đó, có không ít người rất giỏi về chuyên môn nhưng thiếu khả năng trình bày, diễn giải vấn đề một cách hệ thống hoặc thiếu tự tin khi đứng trước đám đông. Tôi đã nhiều lần tiếc cho những người bạn, vì chưa hoàn thiện kỹ năng này mà mất đi cơ hội công việc và thăng tiến tốt.
Bản thân tôi trước đây cũng thế, suốt thời đi học tôi sống hướng nội, rất ít mối quan hệ và được nhận xét là người rụt rè, ít nói. Đặc biệt, tôi rất sợ mỗi khi thuyết trình hay trình bày quan điểm trong một nhóm lớn. Vì thế, cuộc sống của tôi không có nhiều bứt phá cho đến khi tôi quyết định thay đổi trong những năm đại học. Đây là cột mốc quan trọng để có tôi của ngày hôm nay và là nền tảng giúp tôi tìm hiểu sâu hơn về chủ đề cho quyển sách đầu tay.
Trong suốt hai năm kiên trì, kỷ luật với chính mình, tôi hoàn thành quyển Story Telling: Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện. So với ý tưởng và những chất liệu cảm xúc ban đầu, kết quả cuối cùng hoàn toàn khác. Thay vì muốn nhanh chóng có được một quyển sách, tôi nghĩ đến giá trị mình có thể mang đến cho bạn đọc. Thay vì viết tự do, thiếu cấu trúc, mạch lạc, tôi buộc mình phải nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về vấn đề đang viết để mỗi thông tin đưa vào sách là một thông tin thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Chính vì vậy, tôi đã đọc rất nhiều sách liên quan.
Một trong những nguyên tắc của tôi là khi viết về bất cứ chủ đề nào thì sẽ cố gắng đọc tất cả sách về chủ đề đó, kể cả sách trong nước và thế giới bởi tôi cần biết mọi người nghĩ gì về vấn đề này, thị trường đã phản ánh những nội dung gì. Điển hình như nghệ thuật thuyết trình, đã có nhiều tác giả viết, nhiều trụ cột thông tin được đề cập. Vì vậy, khi viết sách, tôi hướng đến một góc riêng hơn, tập trung sâu vào việc gợi ý cho bạn đọc cách cấu trúc, xây dựng nội dung bài nói, sao cho rõ ràng, đảm bảo chuyển tải đầy đủ ý và có thể thuyết phục người nghe. Và cao hơn nữa là kiến tạo những câu chuyện truyền cảm hứng, thúc đẩy hành động mạnh mẽ. Với nội dung này, tôi tự tin sách “Story Telling” là một trong những quyển sách tiên phong tại Việt Nam.
Thú thật, khi hoàn thành quyển đầu tiên, rồi đến quyển thứ hai và tiếp tục viết quyển thứ ba, thứ tư tôi cảm thấy việc viết sách không còn khó nữa. Tôi nhận ra những giai đoạn tôi trì hoãn, những thời gian tôi e ngại việc viết sách là vì tôi thường nghĩ về những quyển “best seller”, những quyển kinh điển thế giới... Càng nghĩ tôi càng cảm thấy áp lực. Và tôi biết, có nhiều người, đặc biệt là các anh chị doanh nhân tôi đã gặp đều nghĩ như thế, rằng viết sách là điều gì đó rất lớn lao, là một việc không dễ làm.
Nhưng rồi, nhờ nhiều trải nghiệm đã đúc kết và học hỏi qua chính việc đọc các loại sách, tôi nhận ra với việc viết sách mình nên đặt tâm thế là một amateur (kẻ nghiệp dư viết sách), sẵn sàng học hỏi trên từng bước đi, mở lòng đón nhận những phản hồi của bạn đọc và giữ năng lượng của một người muốn chia sẻ, muốn lan tỏa những kinh nghiệm thực tế đã trải qua, để có thể mang lại một giá trị nào đó cho mọi người.
Tôi tin bất cứ ai cũng có những câu chuyện, những trải nghiệm xứng đáng được lan tỏa. Điển hình là nhóm doanh nhân. Anh chị là những người luôn ý thức rõ về việc trao giá trị cho cộng đồng và đóng góp cho xã hội, đặc biệt sẽ có những trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá mà nếu chia sẻ thì có thể giúp ích nhiều cho thế hệ sau. Và cứ luôn nghĩ thế nên tôi càng có động lực để viết và khuyến khích mọi người vượt qua nỗi sợ, sự lo lắng để cùng viết và lan tỏa giá trị.
Với riêng tôi, viết sách là quá trình tích lũy và hoàn thiện dần, lúc viết sách là lúc tôi học nhiều nhất, thoải mái nhất. Qua từng trang sách, tôi không chỉ trao giá trị cho người đọc mà còn nhận về rất nhiều. Tôi trưởng thành, chững chạc và hiểu mình hơn. Vì thế, tôi nghĩ dù bạn đang là ai, một doanh nhân, một người làm công việc chuyên viên, hay một người trẻ với đam mê cống hiến... khi có mong muốn viết sách thì cứ mạnh dạn làm ngay.
Nếu thực sự nghiêm túc, kỷ luật với bản thân, mỗi ngày thiết lập thời gian cố định ngồi viết 1-2 giờ, chỉ cần viết khoảng 3 trang sách, đều đặn như thế thì trong vài tháng bạn đã có thể hoàn thành một quyển sách. Không kỳ vọng sách của mình trở thành một hiện tượng, không gượng ép bản thân viết về một điều gì đó xa vời, hãy bắt đầu từ những trải nghiệm và bài học mà bản thân đã trải qua, nhẹ nhàng để những suy nghĩ biến thành con chữ, sẵn sàng chia sẻ và sống trọn với những câu từ trong sách, bạn nhé!
(*) CEO và Founder Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Nhân lực ICTS. Tác giả quyển Story Telling: Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện thuộc “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp năm 2021”