Nga ra lệnh báo động cho lực lượng răn đe hạt nhân
Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 28/02/2022
Nga ra lệnh báo động cho lực lượng răn đe hạt nhân. |
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, NATO không chỉ thực hiện "những hành động không thân thiện" chống lại Nga trong lĩnh vực kinh tế, mà còn để giới chức cấp cao có các tuyên bố "thù địch" nhắm vào Moscow.
"Phương Tây không chỉ có các hành động hung hăng nhắm vào nước ta về kinh tế, ý tôi muốn nói đến những lệnh trừng phạt mà chúng ta đều biết rõ. Các quan chức hàng đầu của các thành viên NATO còn ra tuyên bố hung hăng đe dọa đất nước chúng ta", ông Putin nói trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.
"Tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga đưa lực lượng răn đe của quân đội Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt", Aljazeera dẫn lời Tổng thống Nga.
Ông Putin tuyên bố như trên sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo nếu Moskva không ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, điều đó có thể dẫn tới xung đột với NATO.
"Cuộc xung đột lâu dài này là vì tự do và dân chủ ở châu Âu. Vì nếu chúng ta không chặn Nga tại châu Âu, chúng ta sẽ chứng kiến các nước khác bị đe dọa: các nước Baltics, Ba Lan, Moldova. Và, nó có thể dẫn tới một cuộc xung đột với NATO", bà Truss nói.
Phản ứng trước động thái của Tổng thống Nga, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng đây là hành động leo thang không thể chấp nhận được.
"Điều đó có nghĩa Tổng thống Putin đang tiếp tục leo thang cuộc chiến này theo cách hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi phải tiếp tục ngăn chặn hành động của ông ấy theo cách mạnh nhất có thể", bà Greenfield nói với kênh CBS.
Sau khi ông Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe chiến lược vào trạng thái trực chiến cao, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/2/2022 tuyên bố Mỹ và NATO không phải mối đe dọa của Nga, cho rằng Moskva đã đặt lực lượng răn đe này vào trạng thái báo động cao dựa trên những đe dọa không tồn tại. Bà Psaki cũng từ chối bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Anh Liz Truss.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng ngày khẳng định Berlin sẽ không từ bỏ đối thoại với Nga. Phát biểu trong cuộc họp khẩn của Quốc hội, ông Scholz nói: "Trong tình huống ngặt nghèo hiện nay, nhiệm vụ của ngoại giao là duy trì các kênh đối thoại vẫn mở, các phương án khác đều bị coi là vô trách nhiệm".
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh an ninh lâu dài của châu Âu không thể xây dựng theo hướng chống lại Nga, tuy nhiên nêu rõ hành động của Moskva cũng đang tạo rủi ro cho hệ thống này.
Tên lửa hạt nhân chiến lược Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Modern Diplomacy |
Các lực lượng răn đe chiến lược của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả hạt nhân lẫn thông thường, có thể được sử dụng để phòng thủ lẫn thể tấn công. Theo học thuyết quân sự của Nga, các lực lượng răn đe được xây dựng để "chặn hành động gân hấn nhằm chống lại Nga và các đồng minh của Nga, đồng thời để đánh bại đối tượng gây hấn, bao gồm trong một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân".
Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 2 thế giới và một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, vốn là xương sống của lực lượng răn đe của đất nước.