Tỷ giá, lãi suất bật tăng sau Tết Nguyên đán
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:00, 02/03/2022
Tỷ giá đảo chiều
Sau khi giảm 46 đồng trong tháng 1, tỷ giá trung tâm USD/VND đã tăng trở lại 20 đồng tính từ đầu tháng 2 đến ngày 19/2/2022, lên mức 1 USD ăn 23.119 đồng. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, tỷ giá trung tâm vẫn giảm 46 đồng, tương ứng mức giảm 0,11%. Giá mua vào và bán ra tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên kể từ lần điều chỉnh giảm 100 đồng hôm 19/1/2022, tương ứng ở 22.550 và 23.050 đồng/USD.
Trong khi đó, diễn biến tăng mạnh của tỷ giá giao dịch tại nhiều NH gây chú ý hơn, khi giá mua vào lẫn giá bán ra tăng đến 200 đồng từ đầu tháng 2 đến nay, đảo chiều so với mức giảm 140-150 đồng của tháng 1. Đặc biệt, đà tăng mạnh chỉ bắt đầu diễn ra kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay.
Nếu như dòng kiều hối đổ về khá cao trong tháng đầu năm đã góp phần gia tăng nguồn cung USD, từ đó kéo tỷ giá đi xuống, thì thị trường ngoại hối từ đầu tháng 2 đến nay bị ảnh hưởng lớn bởi diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index trong những ngày cuối tháng 1 - thời điểm Việt Nam bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày, đã có lúc vọt lên trên mốc 97,4 điểm. Dù sau đó giảm trở lại, nhưng chỉ số này đã tăng kể từ ngày 7/2/2022 - thời điểm Việt Nam kết thúc kỳ nghỉ Tết, hiện vẫn duy trì ở mức trên 96 điểm.
Hệ quả là ngay sau khi giao dịch trở lại, các NH đã tăng mạnh giá mua bán USD. Việc giá vàng tăng vọt những ngày gần đây cũng có thể đã làm tăng nhu cầu USD để nhập lậu vàng. Tại Việt Nam trong những năm qua, diễn biến giá vàng và đô la Mỹ thường đồng hành cùng nhau.
Ở ngành thương mại, trong tháng 1 đã nhập siêu 500 triệu USD. Dù vậy, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 31,26 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa đạt 30,59 tỷ USD, theo đó cán cân thương mại hàng hóa đã thặng dư 0,68 tỷ USD. Do đó, hoạt động thương mại không phải là yếu tố gây sức ép lên tỷ giá trong thời gian qua mà yếu tố gây áp lực lớn nhất có lẽ là nỗi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản USD tại kỳ họp tháng 3 tới, thúc đẩy đồng USD tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tại Mỹ công bố mới đây đã tăng đến 7,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, dự báo FED có thể nâng lãi suất đến 7 lần trong năm 2022 và đợt tăng đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong tháng 3 này, với mức tăng có thể lên đến 0,5% thay vì 0,25% như dự kiến trước đó.
Lãi suất bật tăng
Song hành với sự mất giá trở lại của đồng nội tệ, lãi suất tiền đồng đã tăng trong thời gian qua. Trên thị trường liên NH, lãi suất qua đêm đã có lúc vượt mốc 3%, các kỳ hạn dài hơn như 6-9 tháng đã vượt mốc 4%. Nếu so với mức dưới 1% duy trì trong những tháng trước đây, việc tăng mạnh lãi suất qua đêm trong hai tuần qua là rất đáng lo ngại, phản ánh thanh khoản của hệ thống đang chịu nhiều sức ép, nhất là khi NHNN không ngừng bơm ròng tiền trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng.
Một số NH tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi để đẩy mạnh huy động vốn, trong bối cảnh cho vay trong tháng đầu năm bất ngờ tăng mạnh so với nhiều năm trở lại đây. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tháng 1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021 và tăng 16,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,53% của tháng 1 cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền tiết kiệm sau khi rút ra kinh doanh trước Tết rồi vào lại NH sau Tết trong năm nay chậm hơn so với những năm trước, do đó đã phần nào gây sức ép lên thanh khoản. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay không còn đủ sức hấp dẫn nếu so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản, vốn đã trở nên có sức hút lớn hơn rất nhiều trong hai năm qua.
Dù vậy, việc tăng lãi suất huy động vốn thời gian qua có thể chỉ mang tính cục bộ tại một số NH. Thực tế là những ngày gần đây vẫn có những NH giảm lãi suất trở lại, cho thấy diễn biến tăng lãi suất vừa qua có khả năng chỉ mang tính nhất thời. Nhưng cũng cần lưu ý là theo dự báo của giới phân tích, lãi suất trong năm nay sẽ đối mặt với không ít thách thức trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại của NH trung ương và áp lực lạm phát leo thang khắp các nước. Chính vì vậy, doanh nghiệp vay nợ nhiều, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch, giải pháp để ứng phó một khi lãi suất đảo chiều và đi lên trở lại. Đối với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc vay ngoại tệ, cũng cần có sẵn công cụ để hóa giải rủi ro tỷ giá, khi mà đồng USD được dự báo sẽ có một năm diễn biến khó lường khi FED tăng lãi suất trở lại.