Cá tra xuất khẩu sốt giá

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 03/03/2022

Sau hơn hai năm cá tra rớt giá thê thảm khiến hàng loạt hộ nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lỗ te tua thì những ngày qua giá tăng vọt.

Nếu như đầu tuần trước giá cá tra còn ở mức 24.000 đồng/kg thì đến cuối tuần đã tăng lên hơn 26.000 đồng/kg. Hiện nay đã nhảy vọt từ 28.000-30.000 đồng/kg. Dù giá cá tra đang ở mức cao, nhưng cá trong dân không còn bao nhiêu.

Thông tin được biết, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Đến thời điểm sau Tết, hầu hết thị trường như châu Âu, Mỹ, châu Á... đều ráo riết tìm mua cá tra. Hiện các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang xuất khẩu cá tra phi lê sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2-3,4 USD/kg, riêng thị trường Mỹ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên... Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng hai năm qua. Nguyên nhân cốt lõi là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo. Theo các hộ nông dân, với giá cá tra nguyên liệu và giá xuất khẩu hiện tại thì người nuôi cá ở ĐBSCL và cả doanh nghiệp đều thuận lợi, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có cái khó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước tàu cũng tăng, trong khi tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá còn nhiều, từ đó khiến chi phí giá thành của cá tra tăng và tính cạnh tranh giảm một phần.

Hinh-bai-3-9574-1646192909.jpg

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường. Giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng nữa.

"Năm 2022, tôi tin các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Thậm chí, nếu ngành cá tra nâng cao chất lượng hơn nữa, áp dụng công nghệ mới, sản xuất nhiều sản phẩm gia tăng (collagen, dầu ăn từ mỡ cá, đa dạng các sản phẩm chế biến...) thì không chỉ dừng ở con số 1,7 tỷ USD mà còn cao hơn nữa", ông Dương Nghĩa Quốc cho biết.

Với thị trường Mỹ, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ tăng; thị trường châu Âu và Anh cũng được dự báo tương tự; Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường có thể được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.

Với thị trường Trung Quốc, trong năm 2022 sẽ ổn định trở lại bởi sự sụt giảm mạnh về nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2021 chủ yếu do Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 với thủy sản đông lạnh nhập, gây ra tình trạng đình trệ kéo dài ở các cảng nhập khẩu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc vẫn cao. Nếu thị trường này được ổn định hơn trong năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nói chung sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng so với năm 2021.

Tuy nhiên, ông Quốc nhấn mạnh: "Để ngành cá tra phát triển bền vững thì trước tiên cần xây dựng các chuỗi liên kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, khi có biến động về thị trường, các hộ nuôi, các doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn. 

Để đạt điều này, các doanh nghiệp ngoài vùng nuôi của mình cần có sự liên kết với các hộ nuôi một cách chặt chẽ, bởi khi có sự liên kết như vậy thì doanh nghiệp sẽ có kế hoạch sản xuất và chế biến từng quý, từng năm.. và hạn chế được sản lượng dư thừa, đồng thời giữ giá ổn định. 

Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng hệ thống phân phối tiêu thụ thị trường nội địa 100 triệu dân để dự phòng khi bất trắc xảy ra. Thông thường, khi xuất khẩu thành công thì bỏ quên thị trường nội địa, nhưng khi xuất khẩu có vấn đề, ùn ứ, tắc nghẽn thì quay về yêu cầu thị trường nội địa "giải cứu". Vì thế, để phát triển ngành cá tra bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tập trung xây dựng hệ thống phân phối cho thị trường nội địa.

Ngoài ra, giống cá tra vẫn là vấn đề nóng do thời gian qua các cơ sở sản xuất giống thua lỗ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở ươm nuôi giống, nuôi giống bố mẹ tập trung để phục vụ cho nhu cầu năm 2022 về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, cần có chính sách để ổn định giá thức ăn, vật tư đầu vào; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ hợp tác các chính sách xây dựng kênh thương mại điện tử, thích ứng với tình hình sản xuất khi dịch Covid-19 vẫn được dự báo ảnh hưởng trong thời gian tới. Từ nay đến quý II/2022, sản lượng cá có thể sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi thời gian giãn cách trước đó đã ảnh hưởng đến việc thả giống bị đứt gãy, gián đoạn.

Minh Minh