Vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 02:45, 05/03/2022
Mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp được khẳng định bởi kinh nghiệm và thực tiễn phát triển của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự cần phải xác định được nhu cầu cụ thể của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó theo cách mà không có một đối thủ cạnh tranh nào có thể vượt qua. Chỉ thông qua cách nhận dạng được những cơ hội mới và hiểu được điều gì mang lại giá trị ẩn chứa đằng sau những cơ hội đó thì mới giúp một công ty có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Khởi nghiệp là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và TP.HCM - nơi có điều kiện phát triển kinh tế năng động nhất cả nước cũng không phải ngoại lệ. Khởi nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, người dân có điều kiện tiếp cận các cơ hội kinh doanh đa dạng và liên tục, khởi nghiệp được xem là một cách thức hiệu quả để xử lý các vấn đề xã hội và đồng thời tạo ra các giá trị mới cho nền kinh tế. Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách được quy định tại các quyết định và đề án của Chính phủ, Thủ tướng và ngay tại TP.HCM, UBND TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì vậy, hoạt động khởi nghiệp tại TP.HCM đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối diện với các thách thức, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Để khởi nghiệp thành công đòi hỏi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là người khởi nghiệp cần được đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kiến thức chuyên môn trước khi tiến hành các hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, nổi lên vấn đề về nhận thức về đổi mới sáng tạo và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo nhằm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động tại doanh nghiệp khởi nghiệp.
Alvarez và Barney (2007) cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp thời hiện đại không chỉ là nắm bắt cơ hội mà còn phải tự tạo ra cơ hội, chính vì thế định nghĩa khởi nghiệp cần được mở rộng hơn so với quan điểm cũ chỉ đơn thuần là lập kế hoạch và thiết kế mô hình kinh doanh cho quá trình khởi nghiệp. Blank và Dorf (2012) định nghĩa một "startup" hay còn gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp là một tổ chức tạm thời để tìm kiếm khả năng mở rộng mô hình kinh doanh có lợi nhuận. Ripsas và Troger (2014) đã nhấn mạnh rằng cần phải phân biệt giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ.
Điển hình là các doanh nghiệp lớn hơn có nguồn lực, quy mô, sức mạnh và các quy trình cần thiết để vận hành hiệu quả một mô hình kinh doanh đã có sẵn còn doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù có các sáng kiến đổi mới sáng tạo vượt trội, sự nhanh nhạy cảm biến tốt, họ chấp nhận rủi ro và khát vọng tăng trưởng (Weiblen và Chesbrough, 2015) nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn tài chính hạn hẹp hơn, tài nguyên không có quá nhiều nên các năng lực không được sử dụng triệt để. Sự khác biệt rõ nhất được Alvarez và Barney (2007) đưa ra là một doanh nghiệp khởi nghiệp không có sẵn các tài nguyên về vật chất lẫn năng lực, họ chỉ là một tổ chức nhỏ đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp và khác biệt với thị trường tích hợp sự sáng tạo cùng các công nghệ đổi mới, sau khi thành công sẽ mở rộng mô hình kinh doanh.
(Ghenzzi và Antonio, 2020) cũng đã bổ sung rằng, không phải mọi doanh nghiệp mới nào cũng xem là doanh nghiệp khởi nghiệp. Lý giải cho điều này, ông phát biểu: "Tổ chức cho một doanh nghiệp khởi nghiệp là một mô hình kinh doanh với kim chỉ nam là thiết kế mô hình mới cho quá trình sáng tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ mới với rủi ro rất cao là các sản phẩm này có thể thất bại". Đồng thời vì quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp không quá lớn sẽ nhấn mạnh việc tương tác nhanh chóng và thấu hiểu người tiêu dùng, từ đó sẽ có được chân dung khách hàng tiềm năng cụ thể và rõ nét hơn (Ghenzzi và Antonio, 2020).
Trong thế giới hiện nay, dù chúng ta tự tổ chức kinh doanh hay làm thuê cho người khác thì việc đổi mới sáng tạo vẫn đóng vai trò vô cùng thiết yếu. Theo quan điểm cũ thì đổi mới sáng tạo đơn giản là có thêm sự sáng tạo từ sản phẩm ban đầu (Kanter, 1999), bao gồm các yếu tố sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, quy trình mới, sản phẩm hoặc dịch vụ mới và tiến bộ trong công nghệ (Lumpkin và Dess, 2005) nhằm tạo ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường và giới thiệu mới các tính năng trong một sản phẩm (Tufano, 2003). Sản phẩm này được thừa nhận, được hiện thực hóa các ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới.
Hai khía cạnh chính của đổi mới sáng tạo là mức độ (mức độ đổi mới đối với công ty, mới đối với thị trường, mới đối với ngành công nghiệp hay mới đối với thế giới) và loại đổi mới (đổi mới sản phẩm trên nền sản phẩm cũ hay đổi mới hệ thống dịch vụ xoay quanh doanh nghiệp và các sản phẩm). Sự đổi mới sáng tạo của một sản phẩm hay dịch vụ thường liên quan đến thiết kế, phát triển và thực hiện các công cụ và quy trình sáng tạo (Edquist và Chaminade, 2006). Lehtimaki (1991), Beaver và Prince (2002), Coad và Rao (2008) đều tin rằng đổi mới là một yếu tố thiết yếu cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia và năng lực cạnh tranh của một ngành.
Thật vậy, áp dụng đổi mới sáng tạo một cách có hiệu quả sẽ cải thiện được các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, nhất là các hạn chế về mặt tài nguyên, điều mà hầu hết mọi doanh nghiệp đều phải đối mặt (Lumpkin và Dess, 2005). Từ đó cho thấy rằng, đổi mới sáng tạo là một trong những vũ khí quan trọng, là giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp (Sandvik, 2003) để tạo ra sự giàu có về mặt tài chính, nguồn lực mới (Kuratko và Hodgetts, 2004) và cuối cùng là tạo ra các cơ hội mới và đạt được lợi thế cạnh tranh (Bakar và Ahmad, 2010).
Đó là cả một quá trình sáng tạo ý tưởng, phát triển một phát minh và cuối cùng là giới thiệu một sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới ra thị trường (Thornhill, 2006). Sự đổi mới đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp lớn mà còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Jong và Vermeulen, 2006; Anderson và Gold, 2009). Để đạt được điều đó, đổi mới sáng tạo phải trải qua các quá trình như chế tạo, sàng lọc, sự chấp nhận, sự đồng hóa và sự khai thác giá trị gia tăng mới về mặt kinh tế - xã hội; sự đổi mới và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ thị trường; sự phát triển các phương pháp sản xuất mới (Crossan và Apaydin, 2011).
Hiện nay, khái niệm đổi mới sáng tạo được áp dụng trong mọi khía cạnh của đời sống và hoạt động xã hội. Điều này làm cho khái niệm đổi mới trở nên đa chiều và phức tạp hơn bởi khi đổi mới sáng tạo là một hoạt động bền vững dựa trên sự tận dụng các điều kiện thuận lợi tiềm ẩn bên ngoài doanh nghiệp (Zhang và Merchant, 2017). Limaj và Bernroider (2019) đã định nghĩa đổi mới là những ý tưởng, hoạt động được áp dụng vào một sản phẩm hay dịch vụ có sẵn mà trước đó chưa từng có.
Đổi mới sáng tạo không còn là một sự lựa chọn mà đó chính là điều kiện bắt buộc nếu bạn bước chân vào thế giới kinh doanh. Hầu hết công ty lớn trên thế giới ngày nay đều coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của mình. Tuy nhiên, luôn tồn tại câu hỏi trong đầu các nhà quản lý là liệu sự đổi mới có thực sự hiệu quả. Áp lực phải đổi mới sáng tạo và cái giá phải trả cho những thất bại đang tăng lên không ngừng. Đổi mới sáng tạo thực ra không phải là một vấn đề mới mẻ bởi vì ngay từ thời tiền sử con người đã xuất hiện sự sáng tạo rồi.
Có thể nói rằng, sự đổi mới sáng tạo quan trọng nhất trong suốt chiều dài lịch sử là sự ra đời chiếc máy in của Johannes Gutenberg. Phát minh này xuất hiện dưới dạng vô cùng đơn giản nhưng mãi sau này con người mới nhận thức được: những chữ in bằng kim loại có thể dịch chuyển được. Điều này tưởng chừng rất đơn giản nhưng tác động của nó đến sự phát triển của xã hội loài người thì vô cùng vĩ đại. Vì nhờ nó mà kiến thức cũng như các hoạt động trao đổi ý kiến được lan truyền trên phạm vi chưa từng có.
Những luồng thông tin được trao đổi tự do và tri thức đã phát triển với tốc độ chưa từng có. Điều này là nền tảng dẫn đến những thay đổi trong xã hội loài người như thời kỳ phục hưng, cách mạng khoa học kỹ thuật và kỷ nguyên thông tin. Qua đó ta có thể thấy, xã hội chúng ta đang bước qua một giai đoạn có tốc độ phát triển nhanh chóng đặc biệt là tiến bộ khoa học công nghệ. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp muốn tồn tại trên thị trường phải duy trì được năng lực và hiệu quả (hay hiệu suất) đổi mới sáng tạo.
Năng lực đổi mới sáng tạo được hiểu khả năng thách thức các tư duy truyền thống và nhìn nhận tình huống dưới góc độ mới, đưa ra các cách làm mới, xây dựng các sản phẩm và quy trình mới góp phần gia tăng hiệu suất doanh nghiệp. Trong quá khứ, "khởi nghiệp" là mua một chiếc xe đẩy bánh mì và làm những chiếc bánh mì thật ngon để bán ở bất cứ lề đường nào còn trống. Thế nhưng, môi trường khởi nghiệp hiện nay không còn giống như xưa. Thay đổi nếp nghĩ để bắt kịp với thời đại mới đặt ra cả thách thức và cơ hội cho những ai muốn khởi nghiệp. Hơn thế nữa, các chuẩn mực văn hóa của Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi cho khởi nghiệp và việc tăng hiệu suất doanh nghiệp thực sự là một vấn đề đặt ra.
Nhìn qua các cuộc khủng hoảng kinh tế thời gian qua, sự phục hồi kinh tế của các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, điểm chung nhất là các quốc gia này đều chú trọng đầu tư vào đổi mới, sáng tạo. Đó chính là động lực phát triển của các quốc gia này và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tại Thung lũng Silicon (Mỹ), hàng chục nghìn doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt nhằm duy trì được chỗ đứng trên thị trường và đây cũng được xem là một trong những khu vực có hiệu suất đổi mới sáng tạo cao nhất thông qua số lượng bằng phát minh sáng chế và tỷ lệ thương mại hóa hoặc ứng dụng phát minh trên thị trường.
Các sản phẩm đổi mới sáng tạo tại những doanh nghiệp này không thể chỉ bổ sung một vài đặc tính hoặc chức năng cho sản phẩm hiện có. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thực sự cần phải xác định được nhu cầu cụ thể của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó theo cách mà không có một đối thủ cạnh tranh nào có thể vượt qua. Chỉ thông qua cách nhận dạng được những cơ hội mới và hiểu được điều gì mang lại giá trị ẩn chứa đằng sau những cơ hội đó thì mới giúp một công ty có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Những doanh nghiệp Trung Quốc trước đây nổi tiếng với khả năng sao chép ý tưởng từ nước ngoài, sau đó triển khai thật nhanh và chiếm lĩnh thị trường.
Ngày nay điều này đã không còn dễ dàng, khi một công ty sao chép thành công ý tưởng thì nó cũng phải đối mặt với hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đang điên cuồng sao chép theo cách thức tương tự. Như vậy ý tưởng sẽ nhanh chóng lỗi thời và không mang lại lợi nhuận gì cho doanh nghiệp. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang dần dần dừng sao chép và đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho các khía cạnh: nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng và đổi mới sáng tạo. Hiện tượng này cụng đã từng xảy ra đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hay Hàn Quốc. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển và các doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, họ bắt buộc phải đổi mới sáng tạo để cạnh tranh.
Tại Việt Nam trong thời gian qua, hàng loạt chính sách về đổi mới sáng tạo được Nhà nước và Chính phủ ban hành. Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Quyết định 08/2018/QĐ-TTg cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, tiếp sau đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có hỗ trợ đổi mới sáng tạo bằng cơ chế tài chính. Gần đây nhất Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư 04/2018 quy định danh mục các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia, trong đó lần đầu tiên pháp luật hóa quy định điều tra đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… đặc biệt là việc tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019).
Riêng đối với TP.HCM, đổi mới sáng tạo khá đồng đều và sắc nét. Điển hình là đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" của Chính phủ nhằm xây dựng “Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”, với mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 dự án hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ trên nhiều khía cạnh (Nguyễn Thiện Nhân, 2018). Qua đó cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới tất nhiên sẽ không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này, từng doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp phải hành động ngay, kịp thời, quyết liệt và khẩn trương, để có thể đạt kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp (Vương Đình Huệ, 2019).
Tuy nhiên, theo thống kê số liệu của các cuộc điều tra về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo còn ít và mức độ đổi mới sáng tạo còn hạn chế (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018). Cuộc điều tra của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ trong năm 2019 đã cho thấy rõ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn còn hạn chế. Trong số 7,641 phiếu điều tra thu được, có 4,709 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (61,63%), 2.841 doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới sáng tạo (37,18%) và có 91 doanh nghiệp (1,19%) không xác định được đã thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo chưa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) lúc bấy giờ cho rằng, Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp tên tuổi bị đào thải. "Chúng ta sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững" (Nguyễn Xuân Phúc, 2019). Chính vì vậy, có thể nói, đổi mới sáng tạo có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước nói chung và với cá nhân của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu các doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng đổi mới sáng tạo có giảm thiểu được rủi ro giải thể? Nhất là trong bối cảnh, mối tương quan giữa năng lực đổi mới sáng tạo và sự phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp khởi nghiệp còn khá hạn chế. Đây sẽ là một câu hỏi cần Chính phủ, các cấp quản lý và giới khoa học quan tâm tìm hiểu và đưa ra câu trả lời.
(*) Trường Đại học Mở TP.HCM