Mất ngủ, khó ngủ hậu Covid-19, làm sao khắc phục?
Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 06/03/2022
Theo Sổ tay Phục hồi sau Covid-19 của Đại học Y dược TP.HCM, một số triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân thường gặp sau Covid-19 là khó ngủ, khó thở, hụt hơi; đau cơ, đau khớp; hay quên, lơ đãng; chán ăn, buồn nôn hay những vấn đề về sức khỏe tâm thần, đau ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi…
Trong đó, tình trạng trằn trọc, mất ngủ sau khi mắc Covid-19 khá phổ biến. Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - Phụ trách Đơn vị Rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trung bình 20-25% (khoảng 40-50 người) trong tổng số bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM ghi nhận tình trạng mất ngủ. Trong đó, nhiều người cho biết đã mất ngủ nguyên tuần, phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Ngoài sự lo lắng, căng thẳng do dịch bệnh thì nguyên nhân có thể do tình trạng viêm lan tỏa ở hệ thần kinh vẫn kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng sau khi bình phục. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu tại các mao mạch nhỏ vẫn còn, dẫn đến việc cung cấp máu cho cơ thể cũng bị hạn chế.
Rối loạn giấc ngủ kéo dài nếu không được can thiệp, điều trị dễ khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn, làm kiệt quệ thể chất và tinh thần. Thậm chí, người đã có rối loạn lo âu, mất ngủ trước đó có thể bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân.
Theo bác sĩ CK I Nguyễn Huy Hoàng thuộc Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, để dễ ngủ hơn, nên tập thể dục nhẹ nhàng, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 20-30 phút nhằm giúp tinh thần thư thái, dễ chịu, trao đổi chất tốt hơn.
Về chế độ ăn, nên ưu tiên các thực phẩm nguồn gốc thực vật, giàu chất chống oxy hóa. Có thể dùng Melatonin giúp dễ ngủ và là chất chống oxy hóa rất tốt: sau ăn tối dùng 2 viên loại 4-5mg, trước khi lên giường tiếp tục dùng 2 viên nữa, nếu vẫn khó ngủ, bạn có thể dùng 2 viên nữa.
Trong khi đó, bác sĩ Hạnh cho biết, trường hợp mất ngủ nhẹ, các bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc, song song với điều trị các di chứng hậu Covid-19 khác kèm theo. Trường hợp bệnh nhân mất ngủ cấp tính (dưới 3 tháng) có khả năng hồi phục hoàn toàn khá cao. Riêng nhóm bệnh nhân trước khi mắc Covid-19 đã mất ngủ mạn tính, Covid-19 làm bệnh nặng hơn thì khả năng hồi phục thấp hơn.
Ngoài thuốc, người bệnh cũng được hướng dẫn thực hành chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ. Đặc biệt, bạn nên tránh tự sử dụng, lạm dụng các loại thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepine (như seduxen) vì chúng có nhiều tác dụng phụ, dễ gây nghiện khiến việc điều trị rối loạn giấc ngủ khó khăn hơn.