Khi nào có thể xem Covid-19 như bệnh thường?
Trong nước - Ngày đăng : 08:30, 07/03/2022
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Hà Nội. Ảnh: Đậu Tiến Đạt |
Là một nhân viên y tế và đã có "2 lần F0" vào cuối năm 2021 và cuối tháng 2 vừa qua, Nguyễn Dũng (27 tuổi, Đông Anh, Hà Nội), cho rằng, Covid-19 về bản chất không biến mất được. Trong khi đó, con người cần làm việc, sinh hoạt và giao tiếp nên việc xem Covid-19 như bệnh đặc hữu chỉ là sớm hay muộn.
"Dịch bệnh có thể còn kéo dài nhiều năm, nhưng đất nước không thể mãi đóng cửa, F0, F1 không thể mãi bị cách ly. Điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, nâng cao năng lực y tế, đảm bảo nhu cầu về vaccine và thuốc để Covid-19 cũng giống như nhiều bệnh thông thường khác", anh Dũng nói.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam lúc này chưa nên xem Covid-19 là bệnh đặc hữu mà cần theo dõi tình hình để quyết định vào thời điểm phù hợp. Lý do là SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả địa phương và liên tục biến đổi với các biến thể mới cũng như biến thể phụ có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm, khiến tỷ lệ mắc.
Đồng thời, tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định, chưa có tính ổn định, và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những nơi mới có sự tăng mạnh. Hơn nữa, số ca tử vong theo ngày vẫn cao so với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây. Theo Bộ Y tế, hiện dịch chỉ mới trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang bệnh đặc hữu.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dương cho rằng, đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoạch người dân tự chi trả nếu khám dịch vụ.
Với góc nhìn thận trọng hơn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng thuộc Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện chưa thể xem Covid-19 như bệnh đặc hữu vì Việt Nam chưa đạt các yếu tố cần thiết, mà điển hình là dịch chưa ổn định và dự báo còn làn sóng mới trong tương lai.
Nếu xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, Nhà nước sẽ không thể buộc người dân thực hiện biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, người bệnh có thể ra ngoài giao lưu, làm việc chứ không bắt buộc cách ly. Lúc đó, ngành y tế cũng không cần chuẩn bị cho tình huống có bao nhiêu ca mắc, chỉ cần chuẩn bị cơ chế thuốc, nhân lực để không bị quá tải, ông Dũng phân tích.
Theo dự báo và tính toán của mình, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng với chủng Omicron thì ít nhất còn một làn sóng dịch mới trong 6 tháng tới. Việt Nam chắc chắn phải trải qua làn sóng đó mới có thể tự tin tiến tới việc xem Covid-19 như bệnh thông thường. Để đạt tới giai đoạn này, ông cho rằng cần căn cứ vào nhiều yếu tố như đảm bảo miễn dịch cộng đồng, xác định được độ nặng của biến chủng, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ người tiêm chủng cao và khả năng điều trị của hệ thống y tế tốt.
"Tôi dự báo khoảng 6-7 tháng nữa dịch ổn định, đó là thời điểm cho chúng ta câu trả lời chính xác về việc có nên coi Covid-19 như bệnh lý chuyên khoa thông thường hay không", ông Dũng nói.