5 bí quyết để lập tức 'lọt vào mắt xanh' của nhà tuyển dụng
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 06:00, 07/03/2022
Ann Hiatt từng làm việc ở Thung lũng Silicon trong 15 năm và là đối tác điều hành kinh doanh cho Jeff Bezos, Marissa Mayer và Eric Schmidt. Gần đây, Hiatt đã thành lập công ty tư vấn với khách hàng là CEO trên khắp thế giới. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Bet on Yourself: Recognize, Own, and Implement Breakthrough Opportunities (Tạm dịch: Đặt cược vào bản thân: Nhận biết, Nắm bắt và Triển khai các Cơ hội Đột phá).
Hiatt đã chia sẻ với CNBC về kinh nghiệm phỏng vấn ứng tuyển của bản thân cũng như các bí quyết để ngay lập tức "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng:
Tôi bắt đầu sự nghiệp tại Google vào năm 2006, nơi tôi giữ các vị trí là giám đốc nhân sự và đối tác điều hành kinh doanh. Trước đó, tôi đã làm việc tại Amazon với tư cách là đối tác kinh doanh điều hành của Jeff Bezos. Sau khi dành rất nhiều thời gian với một số nhà lãnh đạo thành công và có ảnh hưởng nhất thế giới, tôi đã tìm ra những điều cần thiết ở các ứng viên mới. Trên thực tế, Bezos đã tuyển dụng tôi ngay sau cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với ông ấy vào năm 2002.
Ann Hiatt và cuốn sách "Đặt cược vào chính mình". Ảnh: Twitter |
1. Chia sẻ những câu chuyện khó quên đằng sau các sở thích và thú vui của bạn
Những người tôi tuyển hoặc làm việc cùng ở Google đều rất kỳ quặc. Họ có những sở thích thú vị, kiến thức sâu rộng và đam mê ngoài công việc. Thay vì nói "Tôi thích làm vườn" hay "Tôi thích đóng đồ nội thất", họ sẽ giới thiệu sở thích của mình một cách thú vị và độc đáo.
Ví dụ, một người là vận động viên leo núi chuyên nghiệp đã chia sẻ về đam mê leo núi xuất phát từ câu chuyện ý nghĩa rằng bố cô luôn mơ ước được leo lên đỉnh Everest nhưng ông không bao giờ có cơ hội, nên giờ đây đó là một trong những mục tiêu của cô ấy trong cuộc sống.
Dù sở thích hoặc thú vui của bạn là gì, hãy kể một câu chuyện hoặc trải nghiệm về nó mà người phỏng vấn của bạn sẽ nhớ lâu về nó.
2. Nói về điều bạn không biết nhưng muốn học hỏi
Không ai muốn tuyển dụng một người tự cho rằng bản thân biết tất cả mọi thứ. Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà ứng viên mắc phải là nhấn mạnh quá mức vào những thứ họ giỏi. Với tôi, điều đó nói lên rằng họ muốn ở trong vùng an toàn, và có vẻ không hứng thú với việc tìm kiếm những thử thách hay trải nghiệm mới.
Nên, hãy nói về cả những lĩnh vực bạn muốn cải thiện, những kỹ năng bạn muốn phát triển và những mục tiêu đầy tham vọng mà bạn muốn thực hiện.
3. Sử dụng cụm từ "chúng tôi" và "nhóm của tôi"
Ai cũng có thể nói rằng họ giỏi làm việc nhóm vì nhà tuyển dụng không thể biết bạn có thực sự có kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm hay không. Thật dễ để nói bản thân có kỹ năng làm việc tốt với người khác. Tuy nhiên, thực tế là không có cách nào để người quản lý tuyển dụng biết chắc rằng liệu bạn thực sự có kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm hay không.
Nhưng, khi ứng viên nói "Tôi" quá nhiều, điều đó phần nào cho thấy họ dễ dàng có khuynh hướng "giữ hết thành tựu" cho mình và ưu tiên lấy danh tiếng cho bản thân. Nhấn mạnh thành tích của cả nhóm chứ không phải của cá nhân là một kỹ năng tương đối phức tạp. Hãy nói "chúng tôi đã hoàn thành" hoặc "nhóm của tôi đã làm rất tốt việc..." thay vì "tôi đã hoàn thành".
4. Nói về các ý tưởng thất bại
Google nổi tiếng với việc bỏ các dự án không hiệu quả một cách nhanh chóng. Chúng tôi luôn nhớ đến các thất bại của mình vì đó là cơ hội để học hỏi và trở nên tốt hơn. Thay vì cảm thấy chán nản, những nhân viên giỏi nhất được tiếp thêm sức mạnh và động lực từ những thất bại của mình. Vì vậy, hãy chia sẻ những kinh nghiệm về những thất bại từ một dự án bạn yêu thích và áp dụng những gì bạn đã học được vào một dự án mới. Và, hãy xem đó là một tài sản chứ không phải một thất bại.
5. Vượt xa cả mô tả công việc và có tầm nhìn về tương lai
Điều cuối cùng mà người quản lý muốn nghe là lặp lại mô tả công việc mà bạn đã viết. Sau 3 năm làm việc tại Google, tôi vào văn phòng của cựu CEO Eric Schmidt với mục tiêu thực hiện bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Tôi nói với Schmidt rằng đã sẵn sàng cho vị trí trưởng bộ phận.
Sau đó, chúng tôi đã cùng đưa ra một lộ trình để thực hiện các yêu cầu cần có cho vị trí này và cách tôi sẽ phát triển các kỹ năng để đưa công ty lên tầm cao mới. Điều tôi muốn nói ở đây không phải là khuyên bạn tham gia phỏng vấn cho một vị trí khác, mà là ở cách bạn chứng tỏ rằng bản thân có tầm nhìn về vị trí và vai trò của mình trong 1- 2 năm tới.