Kinh tế Âu - Mỹ ảnh hưởng thế nào từ chiến sự Ukraine - Nga?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 07/03/2022
Cú sốc giá dầu tại Mỹ sẽ trở nên khác biệt so với nơi khác và không khiến giá cả hàng hoá tăng quá cao ở nhiều nơi, do Mỹ sản xuất được nhiều dầu. |
Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại
Theo bản cập nhật nhanh của CNBC về kinh tế Mỹ, tăng trưởng GDP năm nay của nước này sẽ ở mức 3,2%, giảm 0,3% so với dự báo hồi tháng 2. Đây là con số trung bình đến từ 14 dự báo kinh tế. Nền kinh tế Mỹ được dự báo hồi phục hậu làn sóng Omicron, với chỉ số lạm phát trong lĩnh vực tiêu dùng được cho là sẽ tăng 4,3% năm nay.
Song, còn nhiều điều chưa thể chắc chắn về sự phản ứng của nền kinh tế trước cú sốc giá dầu, khi giá dầu thô vọt lên 126 USD/thùng, và giá xăng trung bình vượt quá 4 USD/gallon. Hầu hết dự báo đều nhận thấy nguy cơ lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn. "Hậu quả của việc đóng cửa 4,3 triệu thùng dầu/ngày của Nga xuất sang Mỹ và châu Âu sẽ rất bi đát", JPMorgan viết và cho rằng điều đó sẽ tạo ra cú sốc đối với tăng trưởng toàn cầu.
Bản cập nhật nhanh của CNBC cũng cho thấy kinh tế Mỹ quý II/2022 sẽ tăng trưởng 3,5% so với 1,9% trong quý I. Tuy nhiên, mức 3,5% đã giảm 0,8% so với khảo sát trước đó. Vì vậy, Mỹ vẫn sẽ hồi phục sau làn sóng Omicron nhưng không tăng mạnh bằng lạm phát. Ước tính, lạm phát của Mỹ trong quý II sẽ tăng 1,7 điểm phần trăm và 1,6 điểm phần trăm trong quý tiếp. Dự kiến lạm phát giảm từ 4,3% trong năm xuống 2,4% vào cuối năm.
"Giá năng lượng đang tăng đột biến và vẫn liên tục tăng, nhưng tôi kỳ vọng phần lớn mức tăng trong những ngày gần đây sẽ giảm xuống trong vài tháng, điều đó có nghĩa là tác động đến tăng trưởng và lạm phát chỉ trong ngắn hạn", nhà kinh tế Stephen Stanley của Amherst Pierpont nói.
Một yếu tố khiến cú sốc giá dầu trở nên khác biệt so với nơi khác là việc Mỹ sản xuất được nhiều dầu. Với sản xuất và nhu cầu ở mức cân bằng, dòng tiền sẽ chuyển từ người tiêu dùng sang các nhà sản xuất trong nền kinh tế Mỹ chứ không phải chảy ra ngoài. Giá xăng dầu và khí đốt cao có thể sẽ ảnh hưởng nặng đến các hộ gia đình Mỹ ở một số bang nhất định nhưng sẽ khiến các công ty năng lượng Mỹ bội thu.
Ngược lại, các công ty dầu có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách sử dụng lợi nhuận để tăng sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, một số ý kiến bi quan cho rằng, giá dầu tăng sẽ gây ra lực cản lớn hơn cho tăng trưởng. "Mỹ đang ở đỉnh cao của lạm phát suy thoái, với giá năng lượng và giờ là giá lương thực có thể tăng hơn nữa", Joseph Lavorgna của Natixis nói.
Kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề
Với châu Âu, tình hình dường như không tích cực bằng, khi tác động của tình hình chiến sự tại Ukraine nhiều khả năng sẽ khiến nền kinh tế châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Barclays đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống 3,5% trong năm nay, so với 4,1% trong dự báo tháng trước.
"Giá hàng hóa tăng cao cùng tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính là các kênh lây lan chính, ám chỉ một cú sốc toàn cầu, trong đó châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nhất", Barclays nhận xét. JPMorgan cũng rút lại gần như hoàn toàn số điểm phần trăm dự báo tăng trưởng của châu Âu năm nay và dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này là 3,2% cả năm, song quý II là "0".
Kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng nặng hơn Mỹ trước tình hình chiến sự Ukraine - Nga |
Trước đó, các nhà kinh tế tại Capital Economics dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh hơn 6% trong tháng này và duy trì trên 5% cho đến ba tháng cuối năm. JPMorgan cho rằng lạm phát trung bình năm 2022 sẽ cao hơn một điểm phần trăm so với mức trước xung đột là 5%.
Tăng trưởng kinh tế cũng có khả năng yếu hơn so với dự kiến của Ngân hàng Trung ương châu Âu. "Tình hình Ukraine có thể sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của EU, thông qua các tác động lên thị trường tài chính, áp lực giá năng lượng, các nút thắt dây về chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến niềm tin", Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế châu Âu cho biết.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nhất. JPMorgan dự báo GDP của Nga sẽ giảm 12,5% khi đối mặt với các đòn trừng phạt chưa từng có, khiến 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng và nền kinh tế bị cô lập.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cũng cho rằng kinh tế Nga sẽ giảm 15%, gấp đôi mức giảm thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Chúng tôi nhận thấy rủi ro đang nghiêng về khả năng giảm. Nga sẽ không bao giờ được như trước nữa", nhà kinh tế trưởng Robin Brooks tại IIF viết.