3 huyện ở TP.HCM muốn lên thẳng thành phố, không thành quận

Trong nước - Ngày đăng : 09:30, 07/03/2022

Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi đều định hướng phát triển lên thành phố trong giai đoạn tới chứ không thành quận như H.Nhà Bè và Hóc Môn.

Trong 5 huyện trên, Bình Chánh đạt nhiều tiêu chí lên quận nhất (26/30), Cần Giờ đạt 19/30, theo kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP) giai đoạn 2021-2030, do UBND TP ban hành tháng 1/2022.

Theo Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế-xã hội Bình Chánh nên huyện đặt mục tiêu lên thành phố vào năm 2025.

Một góc huyện Bình Chánh, chếch về phía Tây TP. Ảnh: Quỳnh Trần

Một góc huyện Bình Chánh, chếch về phía Tây TP. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nam cho biết tốc độ đô thị hóa ở Bình Chánh không đều, trong khi xã Bình Hưng phát triển nhà cửa rất nhanh thì Bình Lợi thuần nông. Điều này phù hợp tiêu chí của TP là vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính là phường.

Về định hướng phát triển của Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quyết Thắng cho biết địa phương này sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, trở thành thành phố thuộc TP chứ không lên quận. Củ Chi sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.

Theo ông Thắng, lên thành phố, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Địa phương này có nguồn lực đất đai kết hợp nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. "Củ Chi phải thu hút được nguồn lực, nâng cao giá trị khai thác đất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch", ông Thắng nói. Sắp tới địa phương này không khuyến khích những ngành nghề nguy cơ gây ô nhiễm, sử dụng quá nhiều lao động.

Tương tự, định hướng của TP đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch. Huyện đang phối hợp các sở ngành xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh thuộc H.Cần Giờ, tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu vực thị trấn Cần Thạnh thuộc H.Cần Giờ, tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Đề cập vấn đề nhiều huyện muốn lên thành phố, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói đang có xu hướng các huyện muốn lên thành phố vì "dễ hơn lên quận". Nhưng với một địa phương chưa đủ điều kiện lên quận thì không nên lên thành phố. "Đây không phải là chuyện cấp bách và TP không nên 'ép' vì đã có tiêu chí cụ thể cho việc này", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, tất cả địa phương trở thành quận, sẽ đẩy nhanh phát triển đô thị, chưa chắc là tốt với TP. Bởi nông nghiệp không chỉ đơn thuần là làm lúa mà còn trồng cây cảnh, rau xanh... cung cấp cho hơn 10 triệu dân thành phố. Chưa kể, tại khu vực nội thành, không gian xanh chỉ có 0,5 m2 trên mỗi người. Các huyện lên quận hay thành phố đều vội vã bê tông hóa sẽ tác động đến môi trường.

Ông Sơn cho rằng, trong vấn đề huyện lên thành phố, phía được lợi lớn nhất không phải người dân mà là những dự án địa ốc. Khi lên thành phố, dự án ở đây tăng giá, cơ hội sở hữu nhà cửa của người dân càng xa vời. "TP.Thủ Đức lên thành phố hơn 1 năm, giá đất lên rất cao nhưng kinh tế chưa khởi sắc và nhiều đóng góp cho TP như kỳ vọng", ông Sơn nói và cho biết việc nhiều huyện lên thành phố sẽ cần vốn đầu tư hạ tầng trong bối cảnh ngân sách TP đang thiếu.

P.V