Khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân để xây dựng TP.HCM phồn vinh, hạnh phúc
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 00:20, 08/03/2022
Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng TP.HCM theo định hướng xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, ngang tầm thế giới đòi hỏi phải khơi dậy khát vọng cống hiến của mọi lực lượng, trong đó đội ngũ doanh nhân là lực lượng hết sức quan trọng. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của các doanh nghiệp, thì việc khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường và năng lượng sáng tạo để đội ngũ doanh nhân để họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo, chính quyền TP.HCM, đội ngũ doanh nhân thành phố đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 để đứng vững và phát triển đi lên. Gần hai năm qua, đội ngũ doanh nhân vừa đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, của đất nước, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nhân thành phố luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái và khí chất và truyền thống tâm - tài - trí - tín” của doanh nhân Việt Nam. Những đóng góp quan trọng của các doanh nhân cho sự phát triển của thành phố, của đất nước, cho cộng đồng, cho xã hội trong thời gian qua đã được Đảng, chính quyền, người dân ghi nhận, tri ân và đánh giá cao.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân thành phố còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân TP.HCM vẫn chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Một số doanh nghiệp, doanh nhân thiếu trách nhiệm với người lao động; nợ bảo hiểm xã hội, không chú ý đến an toàn toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống tinh thần của người lao động. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường...
Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò, vị thế và bản sắc của doanh nhân TP.HCM để đóng góp cho sự phát triển của thành phố và đất nước, cần khơi dậy khát vọng cống hiến của họ. Khát vọng xây dựng TP.HCM phồn vinh, hạnh phúc của đội ngũ doanh nhân thành phố đó chính là mong muốn và khát khao của đội ngũ doanh nhân, trở thành động lực tinh thần to lớn giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển, để làm giàu cho bản thân, và cống hiến cho sự phát triển của thành phố và đất nước. Khát vọng phát triển của đội ngũ doanh nhân TP.HCM là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của các doanh nhân, doanh nghiệp tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn và sức mạnh vô song.
Để khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân TP.HCM góp phần xây dựng thành phố ngày càng phồn vinh, hạnh phúc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân về vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, để từ đó họ không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Để khơi dậy khát vọng cống hiến cho doanh nhân TP.HCM, cần nâng cao nhận thức cho họ về vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Doanh nhân TP.HCM là lực lượng đông đảo so với doanh nhân cả nước và có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thành phố cũng như cho đất nước. Họ là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.
Khi nhận thức đúng vai trò quan trọng của mình, đội ngũ doanh nhân TP.HCM sẽ chủ động, tích cực để không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình, tìm hiểu những kiến thức mới, những ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí. Chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về tài chính kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, hiểu biết về kinh tế phát luật, văn hóa xã hội, văn hóa doanh nghiệp… Thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, trau dồi những kỹ năng cần thiết để có đủ sức “đứng vững” và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nhân không ngừng tự bồi dưỡng, rèn luyện tác phong, phương pháp của nhà lãnh đạo, nhà quản lý với những chuẩn mực văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Đây là động lực và là cơ sở để đội ngũ doanh nhân thành phố hiện thực hóa khát vọng của một doanh nhân chân chính, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp, mà còn làm giàu cho thành phố, cho đất nước.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân TP.HCM. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học, công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng để hình thành nên đội ngũ doanh nhân của thành phố có đủ phẩm chất, năng lực, tư duy năng động, sáng tạo… nhất là trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài”; đồng thời, “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”.
Phát triển đội ngũ doanh nhân trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, có tri thức, tính sáng tạo vượt trội, được trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp với cơ chế thị trường, thích ứng với sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ nguồn lực ấy, mới sản sinh ra những doanh nhân có phẩm chất, trí tuệ, năng lực, bản lĩnh trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước, cũng như từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy, cần xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ðổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong đó, chú trọng giáo dục, rèn luyện và hun đúc cho doanh nhân “tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ”, ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với sự phát triển xã hội, tính trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức cộng đồng cao. Cập nhật, bổ sung hệ thống tri thức mới về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, cần “phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đó là điều kiện quan trọng để phát triển trình độ, năng lực đội ngũ doanh nhân - cơ sở nền tảng để họ hiện thực hóa khát vọng xây dựng TP.HCM phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và nâng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự bảo đảm chính trị - pháp lý, là điều kiện, môi trường tiên quyết để hoạt động của doanh nhân và doanh nghiệp là một thể thống nhất.
Chính vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”. Đồng thời, “tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng”. Theo đó, cần công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Thứ tư, xây dựng văn hóa doanh nhân TP.HCM hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Xây dựng văn hóa doanh nhân là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm, thể hiện bản sắc và vị thế của đội ngũ doanh nhân TP.HCM. Xây dựng những chuẩn mực mới về văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ hội nhập. Trong đó, xây dựng những doanh nhân có trí tuệ, tri thức chuyên môn sâu rộng, có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước, có lòng tự tôn dân tộc, có năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, có đạo đức kinh doanh, năng lực quản lý hiện đại, giải quyết hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp lợi ích nhà nước và xã hội. Ðề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, “Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội”. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tích cực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thứ năm, có cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nhân TP.HCM có điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhất là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay. Cùng với Chính phủ, lãnh đạo và chính quyền thành phố cần thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. Cần xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là chiến lược vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời các cơ quan có thẩm quyền của thành phố cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội doanh nghiệp; mở rộng hoạt động vận động chính trị trong giới doanh nhân; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân; thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Vì thế, cần phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nhân TP.HCM, trong việc “kết nối, sẻ chia và lan tỏa” các giá trị tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và lợi ích từ sự phát triển. Tổ chức thành lập và liên kết hiệp hội doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động chính trị, xã hội; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Ðảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Trên cơ sở đó giúp cho doanh nhân có cơ hội học tập lẫn nhau, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực tư duy, hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Thứ sáu, thực hiện tốt chính sách tôn vinh những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt giải pháp này tạo ra động lực tinh thần to lớn để hiện thực hóa khát vọng cống hiến của doanh nhân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách tôn vinh doanh nhân không chỉ thừa nhận những thành tích cá nhân, mà còn khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm xã hội, chính trị của của đội ngũ doanh nhân đối sự phát triển của TP.HCM, với đất nước. Bởi vậy, cần đổi mới và thực hiện tốt nhiều chính sách tôn vinh những doanh nhân không những thành đạt trong kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mà còn có đóng góp nguồn thu nhân sách cho thành phố và các hoạt động từ thiện, nhân đạo… để ngày càng lan tỏa những “doanh nhân tiêu biểu”, “nhà quản lý giỏi”.
Như vậy, trên đây là những giải pháp cơ bản nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân TP.HCM nhằm xây dựng thành phố ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đúng như tinh thần của Đại hội XIII về phương hướng phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta hiện nay: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyên khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
(*) Khoa Lý luận Chính trị - Đại học Nguyễn Huệ