Với phụ nữ, hạnh phúc là lan tỏa được những giá trị vật chất, tinh thần do mình tạo ra
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:25, 09/03/2022
* Ngày 8/3 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ, với vai trò là "thuyền trưởng" doanh nghiệp, hai bà có cảm thấy áp lực?
- Bà Lý Kim Chi: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế vẫn chưa hồi phục thì giá xăng dầu đã tăng rất cao do cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ. Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng công ty tôi mà còn rất nhiều công ty khác đang phải gồng gánh những tổn thất, khó khăn về việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Trong lĩnh vực thực phẩm chế biến cần nhiều nguyên liệu từ Nga và Ukraine, nhưng nay chiến tranh nổ ra giữa hai nước, nguồn cung bị gián đoạn. Đó chính là áp lực mà doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm phải đối mặt, nhưng sẽ tìm cách vượt qua.
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Tôi là người tự thân khởi nghiệp nên khi đối mặt với những thử thách đều có cách nhìn bình tĩnh và chủ động. Tôi nhớ thời điểm Phúc Khang thành lập là lúc thị trường bất động sản đang chững lại, thậm chí là khủng hoảng, tôi vẫn giữ được niềm tin công ty của mình sẽ thành công. Ở Phúc Khang, chúng tôi không nói khó khăn mà gọi là thử thách. Chúng tôi cũng không nói cố gắng mà là làm hết sức mình. Và hiện nay cũng vậy, trước những tác động của bối cảnh khách quan, tôi nhìn sự việc với một niềm tin, những áp lực hay thách thức rồi sẽ qua đi. Điều quan trọng là phải nhìn nhận kịp thời khó khăn, thuận lợi để chủ động tìm giải pháp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
* Trước những thách thức và một tương lai khó đoán định, hai bà đã định hướng cho doanh nghiệp của mình như thế nào?
- Bà Lý Kim Chi: Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí để giảm giá thành sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng. Muốn đưa doanh nghiệp vượt khó, ngoài việc áp dụng những biện pháp truyền thống, chúng tôi chủ động chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí sản xuất. Mặt khác, chúng tôi động viên người lao động cùng công ty xử lý các vấn đề nan giải nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Bằng việc theo dõi kỹ lưỡng xu thế thị trường, Phúc Khang hướng đến sự phát triển xanh - nhân văn - truyền thống - bền vững. Ở từng thời điểm, chúng tôi sẽ thực hiện những kế hoạch ấy sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như khi Covid-19 xảy ra, Phúc Khang đã nhìn nhận nghiêm túc về dịch bệnh, những tác động về mặt kinh tế - xã hội để có những giải pháp ứng phó kịp thời. Chúng tôi đã tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để sống chung với dịch. Trong đó, ưu tiên số một là đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, tiếp theo là duy trì chiến lược phát triển bền vững, chuyển đổi số và công nghệ.
Bằng việc chủ động ứng phó và linh hoạt thích nghi, đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, nhân viên của Phúc Khang nhận lương và các khoản phúc lợi đầy đủ; công ty hoạt động ổn định, không phải cho một số nhân viên nghỉ việc. Có điều đặc biệt là giai đoạn này, chúng tôi tuyển dụng được những nhân sự rất chất lượng. Đi cùng định hướng để phát triển doanh nghiệp, chúng tôi thực thi trách nhiệm xã hội thông qua chương trình "Trái tim xanh tình nguyện" đã phát động trong đợt bùng dịch lần thứ tư tại TP.HCM. Chúng tôi xác định tinh thần thiện nguyện, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng là một trong những chiến lược phát triển bền vững của Phúc Khang.
* Nhìn lại năm 2021 với nhiều biến động, hai bà có cảm nhận bản thân có thay đổi và sự thay đổi đó đã tác động tới nhân viên và công ty như thế nào?
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Năm vừa qua, điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất là mình được yêu thương hơn và được cho đi nhiều hơn. Tôi tận mắt chứng kiến những khó khăn của TP.HCM trong hơn 4 tháng dài giãn cách triệt để, những trăn trở của lãnh đạo các cấp chính quyền, những thách thức của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu, nỗi bất an của người lao động, của dân cư, của khách hàng và nhất là sự cống hiến, sự giúp đỡ lẫn nhau trong đại dịch. Tôi thấy rằng, yêu thương chính là khởi nguồn của sẻ chia. Chính sự thấu hiểu cùng chiến lược phát triển theo hướng bền vững mà Phúc Khang có những hoạt động vì cộng đồng rất thiết thực.
- Bà Lý Kim Chi: Phải khẳng định rằng, doanh nhân chưa từng phải lo lắng đến sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp. Vậy mà năm 2021, điều đó đã xảy ra, buộc giới chủ không những phải có chính sách bảo đảm thể trạng của công nhân viên để ngăn ngừa bệnh tật, mà doanh nhân cũng phải tìm cách thích ứng với đại dịch để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cho bản thân và tổ chức sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với hoàn cảnh để giảm thất nghiệp cho người lao động, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
* Thưa hai bà, hai bà có thể chia sẻ về triết lý sống và triết lý kinh doanh từ những biến động vừa qua?
- Bà Lý Kim Chi: Ý chí, tinh thần vượt khó thì không ai bằng đội ngũ doanh nhân, công nhân trong giai đoạn đại dịch vừa qua. Đó cũng là triết lý sống, triết lý kinh doanh của cán bộ, nhân viên trong công ty chúng tôi và cả bản thân tôi.
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Triết lý kinh doanh của chúng tôi là hướng tới phân khúc giá trị và phát triển bền vững, tức là không phân khúc thị trường theo giá (trung cấp hay cao cấp) mà kiên định phát triển sản phẩm theo phân khúc giá trị.
Khái niệm phân khúc giá trị và phát triển bền vững liên quan mật thiết với nhau và triết lý kinh doanh của Phúc Khang là "phát triển bền vững" phải bắt đầu từ "phát triển có trách nhiệm". Phát triển bền vững là phải chuyển giao trách nhiệm xã hội cho các thế hệ sau và không làm mất đi lợi ích của thế hệ tiếp theo. Đây cũng chính là những điều mà tôi nghĩ rằng nó giá trị hơn rất nhiều so với những chi phí mà chúng ta bỏ ra, xứng đáng để giảm bớt lợi nhuận, tăng lợi ích cho xã hội.
* Nhiều người cho rằng, đa số chị em doanh nhân đều có chút nam tính, quyết đoán, chính điều này làm ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng và khó cân bằng cuộc sống gia đình. Hai bà có nghĩ như vậy?
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Mục tiêu của tôi là làm ra sản phẩm xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sự phát triển bền vững. Để theo định hướng này, cần rất nhiều nguồn lực, sự đầu tư nghiêm túc. Đôi khi tôi thấy mình quá cố chấp trong hướng đi nâng tầm bất động sản xanh. Với tôi, xanh không còn là mục tiêu mà là tầm nhìn, là niềm tin và có ít nhiều là sự cố chấp. Là nữ giới đảm nhận trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, tôi không nghĩ đó là khó khăn mà là thử thách, nên phải quyết đoán. Điều đó có người cho rằng "nam tính", cũng không sao!
- Bà Lý Kim Chi: Doanh nhân nữ gặp khó khăn hơn so với các đấng mày râu, bởi họ vừa là người vợ, người mẹ, lại vừa là người đứng đầu doanh nghiệp, có trách nhiệm lo đời sống và công việc cho cán bộ, công nhân của công ty mình. Hài hòa các vai trò ở thời điểm này đối với doanh nhân nữ là không hề dễ. Vậy nên nữ doanh nhân thì ai cũng đều có "chất nam tính" và nếu không có nó thì không thể chỉ huy, lãnh đạo được doanh nghiệp. Nhưng những quyết đoán của nữ doanh nhân trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh hay công tác xã hội - từ thiện thì đừng cho đó là do nam tính mà đó là ý chí và nghị lực của họ. Nữ doanh nhân có những đặc điểm mà nam doanh nhân khó có được, đó là sự tinh tế và nhạy cảm với thị trường. Sự tinh tế được thể hiện rõ nhất trong sự tương giao với đối tác, biết đặt mình vào cương vị người khác cũng như linh hoạt, mềm mỏng trong ứng xử với cấp dưới để họ cống hiến tài năng cho doanh nghiệp.
* Giá trị gia đình, bạn bè mà hai bà cảm nhận được qua đại dịch vừa rồi có gì thay đổi so với trước đây?
- Bà Lý Kim Chi: Qua đại dịch, chúng ta càng thấy giá trị thực sự của gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói gia đình là tài sản quý giá nhất. Với tôi, nếu không có gia đình là hậu phương vững chắc thì không có doanh nhân Lý Kim Chi hôm nay. Sau đại dịch, không ít thì nhiều ai cũng đều cảm nhận được rằng sức khỏe là nền móng vững chắc của mọi thành công trong cuộc sống. Đôi khi, tôi chỉ mong ước bản thân có thêm năng lượng, sức khỏe dào dạt bằng một nửa của thời trung niên để cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Khi phải giãn cách triệt để, tôi dành thời gian chăm lo sức khỏe, tinh thần cho những người thân trong gia đình nhỏ và đại gia đình Phúc Khang. Tôi cũng dành thời gian để chăm lo sức khỏe tâm - thể - trí cho đội ngũ nhân viên công ty.Trải qua đại dịch, tôi thấy nhiều hơn giá trị của sức khỏe. Điều này càng thôi thúc tôi kiên định với sứ mệnh tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng với môi trường sinh thái theo chuẩn mực xanh.
* Nhân ngày 8/3, nếu truyền cảm hứng cho chị em, hai bà sẽ gửi gắm điều gì?
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Dẫu vậy, phụ nữ muốn được ghi nhận phải nỗ lực gấp nhiều lần. Hiện tỷ lệ lãnh đạo nữ tại Phúc Khang là 35%. Chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân viên nữ vừa bảo đảm được công việc, vừa đảm bảo được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ở Phúc Khang, nữ nhân viên được yêu cầu nghỉ sinh phải đủ thời gian theo luật định, tức không phải đi làm sớm. Nam nhân viên có vợ sinh con được khích lệ ở nhà trong những ngày đầu. Ở Phúc Khang không có phân biệt giới, chỉ có sự ghi nhận năng lực và tinh thần cống hiến, chia sẻ.
Nhân ngày 8/3, chia sẻ những điều ấy để thấy rằng phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống nên phải tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát huy năng lực. Điều quan trọng là phụ nữ phải biết nắm bắt cơ hội, chủ động phát triển bản thân, theo đuổi ước mơ và hành trình của mình.
- Bà Lý Kim Chi: Không gì có thể làm khó được chị em phụ nữ. Qua đại dịch đã chứng minh được rằng, mặc dù khó khăn đủ đường, không nói về tài chính, mà về nguồn lực lao động, sự lưu thông hàng hóa, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Với bản chất thông minh, sáng tạo, hiền hòa, nhân ái, tôi tin chị em sẽ ngày càng khẳng định vị trí của mình trong xã hội, trong cộng đồng doanh nhân, lực lượng doanh nghiệp.
* Nếu cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phụ nữ phát huy hết khả năng, hai bà có kiến nghị gì?
- Bà Lý Kim Chi: Nói đến phụ nữ thời nay, phải công nhận nhiều chị em rất giỏi, đặc biệt là nữ doanh nhân. Để hài hòa các vai trò ở thời điểm này đối với doanh nhân nữ thật không dễ dàng, nhưng tôi thấy chị em đều phát huy được truyền thống đảm đang, giỏi việc công ty, chu đáo việc nhà.
Còn nói về cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức phụ nữ, tôi chỉ mong có thêm chính sách đãi ngộ, như ưu đãi về ngày nghỉ, ngày lễ...
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Phụ nữ muốn được ghi nhận và tạo ra giá trị riêng thì cần phải trang bị kiến thức, năng lực để chủ động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Phụ nữ được ví như những "bóng hồng" với trái tim nhạy cảm, ấm áp yêu thương. Đây là niềm tự hào của chị em phái đẹp chúng mình. Ở Phúc Khang, chúng tôi có những nhân sự cấp cao, chuyên gia, cố vấn tài giỏi là phụ nữ. Ở họ, tôi thấy được vẻ đẹp trí tuệ, bản lĩnh nhưng cũng rất dịu dàng, ấm áp. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ họ.
Để nữ giới có nhiều cơ hội nâng cao vị thế, phát huy năng lực, đóng góp nhiều hơn cho xã hội thì Chính phủ và hội đoàn phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Cần có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để phái nữ tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế. Cũng cần có những giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển chuyên môn nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập.
* Quan điểm của hai bà về hạnh phúc?
- Bà Lưu Thị Thanh Mẫu: Với phụ nữ, hạnh phúc là khi được theo đuổi ước mơ, theo đuổi mục tiêu tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy.
- Bà Lý Kim Chi: Trước tiên, phải hiểu thế nào là hạnh phúc. Mỗi cá nhân cần xác định được điều gì khiến mình cảm thấy hạnh phúc? Có phụ nữ chỉ cần được chồng yêu thương, quan tâm, đó là hạnh phúc. Có chị em chỉ cần con cái ngoan ngoãn, gia đình bình an, khỏe mạnh, đó là hạnh phúc. Còn đối với bản thân, tôi chỉ mong chăm lo được đời sống cho gia đình, cho người lao động trong công ty, đó là hạnh phúc.
* Rất cảm ơn hai bà. Chúc hai bà và chị em phụ nữ một ngày 8/3 thật hạnh phúc!