Giá xăng có thể tiếp tục lên tới đâu?

Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 09/03/2022

Giá xăng trong nước có thể tiến sát mốc 30.000đ/lít trong kỳ điều hành ngày 11/3 tới, nếu các công cụ bình ổn giá không được sử dụng.
Giá xăng có thể tiếp tục lên tới đâu?

Nhân viên cây xăng góc Lý Chính Thắng - Trương Định (Q.3, TP.HCM) tạm ngưng nhận khách để thay đổi giá xăng lúc 15g00 ngày 21/2. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương công bố tới ngày 7/3/2022, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore với xăng RON 92 là 142,01 USD/thùng; xăng RON 95 là 145,88 USD/thùng; dầu diesel 158,44 USD/thùng. Giá thành phẩm xăng dầu trên thế giới tăng kéo theo giá bán lẻ trong nước.

Một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết, với giá cơ sở ngày 7/3, giá bán ra trong nước đang âm khoảng 3.800đ/lít, dầu diesel âm 4.800đ/lít. Do đó, giá bán lẻ trong nước có thể lên sát ngưỡng 30.000đ/lít vào kỳ điều hành tới, nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, như xả thêm từ Quỹ bình ổn xăng dầu (hiện còn khoảng 620 tỷ đồng).

Trước sự biến động lớn về giá, các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp với thị trường, thay vì chờ tới kỳ điều hành ngày 11/3.

Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, quy định nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về biện pháp điều hành. Trong khi đó, biến động giá tuần qua đã tăng gần 20%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội tính toán, bình quân giá thế giới tăng 10% thì giá nhập về Việt Nam sau khi cộng các chi phí, thuế... tăng khoảng 15%, tương đương giá mỗi lít xăng đắt thêm gần 3.000đ. Điều hành linh hoạt hơn lúc này giúp doanh nghiệp cắt lỗ, xoay vòng tiền để nhập tiếp hàng về bán, tránh đứt đoạn nguồn cung.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối thuộc top 5 thị trường chia sẻ, hiện mỗi lít xăng doanh nghiệp này đang chịu âm 3.000 đồng. Nếu cộng dồn các lần tăng trước đó, mức chênh lệch có thể lên tới 5.000đ. "Xăng dầu khan hiến, chúng tôi luôn tìm cách nhập để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trong khi đó, giá mua vào đều cao hơn giá bán ra ở trong nước nên lỗ chồng lỗ", ông nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo, việc điều hành linh hoạt lúc này là cần thiết và cơ quan quản lý cần có một kế hoạch cụ thể với các giải pháp tính toán tổng hoà lợi ích, cân đối bài toán vĩ mô cũng như sức chịu đựng của người dân, nền kinh tế trước bài toán tăng giá xăng dầu.

"Với hệ thống cung ứng, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ họ thông qua hệ thống ngân hàng để cấp tín dụng ưu đãi, giúp doanh nghiệp, đại lý có nguồn tiền quay vòng để nhập hàng về bán. Còn về phía người tiêu dùng, nhà điều hành cần có kịch bản giá dựa trên tính toán về mức độ chịu đựng, tránh lạm phát tâm lý", ông nhận xét.

P.V