Omicron 'tàng hình' khác gì so với biến thể gốc?
Quốc tế - Ngày đăng : 03:00, 09/03/2022
Theo thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM sáng 9/3/2022, TP.HCM hiện có cả 2 biến thể của chủng Omicron. Trong đó, biến thể BA.2, còn được gọi là chủng "tàng hình" đang chiếm ưu thế, lý giải tại sao dịch lây lan rất nhanh.
Trên thế giới, chủng "tàng hình" đã gây ra hơn 1/3 số ca mắc mới Omicron và đang là biến thể chủ đạo tại 18 quốc gia, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). BA.2 cũng đã được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia và toàn bộ 50 bang Mỹ.
Vậy, BA.2 khác gì so với biến thể gốc BA.1?
BA.2 được gọi là chủng tàng hình vì có rất nhiều đột biến, nhưng không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, vốn có thể được phát hiện trong xét nghiệm PCR. Về trình tự di truyền, BA.2 khác với BA.1 khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác. Vì vậy, kết quả xét nghiệm PCR phát hiện bệnh nhân nhiễm BA.2 giống như nhiễm biến thể Delta.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1 và không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn song lây nhanh hơn. Nghiên cứu ban đầu cho thấy BA.2 có khả năng lây cao hơn khoảng 30% so với biến thể gốc. Đồng thời, các nhà khoa học cũng ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron 2 lần. Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh để chống BA.2.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành, dựa trên thí nghiệm với chuột lang, BA.2 có thể gây ra nguy cơ về y tế cao hơn. Tuy nhiên, phân tích ban đầu ở Đan Mạch cho thấy tỷ lệ nhập viện do BA.2 không khác biệt so với biến thể gốc, được cho là gây bệnh nhẹ hơn so với biến chủng Delta. Nghiên cứu tại Nam Phi cũng ghi nhận điều tương tự. Đặc biệt, vaccine có thể bảo vệ người dân không bị nặng.
Nguy cơ tái nhiễm chủng tàng hình
Về nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2, theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch - nơi BA.2 đang chiếm ưu thế trong số ca mắc mới, người gần đây nhiễm Omicron hoặc Delta đều có thể nhiễm "chủng tàng hình". Tuy nhiên, các ca này không nhiều và chủ yếu xảy ra ở những đối tượng chưa tiêm chủng và thường mắc nhẹ.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 140.000 bộ gene được giải trình tự khi Omicron là biến thể chủ đạo (từ tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022) để tìm người có kết quả xét nghiệm dương tính lại trong khoảng 20-60 ngày sau khi bình phục. Kết quả, tổng cộng 263 ca tái nhiễm, trong đó có 190 ca nhiễm "chủng tàng hình."
Có 140 ca nhiễm "Omicron tàng hình" sau khi nhiễm Delta. Có 47 ca nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1. Nghiên cứu kỹ hơn các ca mắc "chủng tàng hình" sau khi nhiễm chủng gốc đều cho thấy hầu hết người tái nhiễm còn trẻ, 30 người dưới 20 tuổi, không có trường hợp tái nhiễm trên 40 tuổi và 42 trong số 47 ca chưa tiêm vaccine.
Hầu hết ca tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, 28 người biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, 5 người có triệu chứng vừa, giống như bị cúm. Không ai phải nhập viện hay tử vong. Theo các nhà khoa học Mỹ, hiện rất khó để dự đoán "chủng tàng hình" sẽ làm thay đổi số ca như thế nào, vì BA.2 đang lây lan nhanh tại các cộng đồng có độ phủ vaccine khác nhau.
Một số chuyên gia cho rằng "Omicron tàng hình" sẽ không gây ra làn sóng lây nhiễm mới, song có thể làm chậm quá trình giảm số ca mắc mới tại một số khu vực.