Giá vàng tăng vọt từ chiến sự Nga - Ukraine
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:26, 10/03/2022
Chênh lệch kỷ lục
Nếu tính từ đầu tháng 2/2022, thị trường vàng thế giới đã tăng gần 10%. Dù chưa thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce, nhưng hầu hết dự báo đều cho rằng mốc kháng cự này sẽ sớm được chinh phục, khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang làm gia tăng rủi ro địa chính trị và thúc đẩy dòng tiền chạy vào kim loại quý này.
Vị thế của vàng như một hàng rào chống lạm phát cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia khác tăng vọt gần đây, do lãi suất siêu thấp và hàng nghìn tỷ USD chi tiêu liên quan đến đại dịch Covid-19.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất cơ bản USD xuống gần bằng 0 sau khi bùng phát Covid-19 vào tháng 3/2020 và duy trì ở mức đó cho đến nay, đang có kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại khi lạm phát dường như đang thoát khỏi tầm kiểm soát.
Cùng với giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng tăng vọt trong những ngày vừa qua. Giá vàng SJC đã leo lên mức 68 triệu đồng/lượng, thậm chí có ngày tăng 2 triệu đồng/lượng. Đáng lưu ý là giá vàng thế giới quy đổi trong cùng thời điểm chỉ quanh 55 triệu đồng/ lượng, như vậy chênh lệch giữa hai thị trường đang mở rộng ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Điều ấy cho thấy thị trường kim loại quý đang rơi vào hỗn loạn, trong khi không loại trừ khả năng một phần của dòng tiền từ chứng khoán đã chuyển vào vàng, càng đẩy giá vàng leo cao. Lãi suất trái phiếu Mỹ từ 2,03/năm xuống còn 1,97%/năm, "sức khỏe" của đồng USD ổn định cũng giúp củng cố đà tăng của giá vàng hiện nay.
Nga đẩy mạnh trữ vàng
Một yếu tố khác ủng hộ giá vàng là Nga mạnh tay mua vàng. Theo thông báo vào sáng ngày 28/2/2022 từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), ngân hàng này sẽ nối lại việc mua vàng sau hai năm duy trì dự trữ đi ngang. Ngay sau động thái này, giá vàng thế giới tăng từ vùng 1.880-1.890 USD/ounce lên vùng 1.920-1.930 USD/ounce, tức tăng gần 40 USD/ounce.
Trong quá khứ, CBR từng là định chế mua vàng lớn nhất thế giới, khi thu gom vàng trong 6 năm liên tiếp. Lượng vàng CBR sở hữu cũng đã tăng gần gấp đôi trong thời gian này. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, từ tháng 3/2020, CBR mới dừng việc mua vàng.
Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác vàng để tự đáp ứng nhu cầu tăng dự trữ vàng quốc gia và việc CBR mua vàng có thể được thị trường xem là một nhân tố thúc đẩy vàng tăng giá.
Theo dữ liệu từ IMF, tính đến cuối tháng 12/2021, Nga sở hữu hơn 2.000 tấn vàng, chiếm khoảng 20% dự trữ quốc gia của nước này. Điều này đã biến Nga trở thành quốc gia sở hữu nhiều vàng thứ 5 trên thế giới. Mà không chỉ Nga, theo thống kê từ Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương rất nhiều nước, năm 2021 đã tăng cường dự trữ gần 463 tấn vàng, tăng 80% so với năm 2020.
Trong một động thái mới nhất liên quan đến vàng, Bộ Tài chính Nga ủng hộ Quốc hội nước này dỡ bỏ 20% thuế giá trị gia tăng áp lên người mua vàng. Động thái này của Bộ Tài chính Nga là nhằm ngăn chặn ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Vào năm 2019, để khuyến khích đầu tư, Bộ Tài chính Nga cũng từng đề xuất xóa bỏ thuế giá trị gia tăng áp lên người mua vàng.
Sau những lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và khối EU về việc mở rộng chiến dịch quân sự tại Ukraine, tài chính Nga đã chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, nước này đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT, nhiều ngân hàng và tài sản của Nga trên toàn cầu bị phong tỏa. Trước những biến động mạnh, người dân Nga có xu hướng gia tăng chuyển đổi đồng rúp sang các đồng USD hay EUR khiến cho đồng rúp mất giá gần 30% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo hãng tin Bloomberg, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và suy thoái kinh tế cũng có thể tạo ra sự tăng giá vàng. Trong đó, dòng tiền rót vào các quỹ ETF chuyên đầu tư vàng có thể tăng thêm 600 tấn trong năm nay và đẩy giá vàng tăng vọt lên 2.350 USD/ounce. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, dòng vốn vào các quỹ này đã tăng thêm 100 tấn tính cho đến nay.