Kinh tế Nga khốn đốn vì các lệnh cấm vận của phương Tây
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 11/03/2022
Đòn trừng phạt liên tiếp
Từ cuối tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT và đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga. Phần lớn quốc gia châu Âu đã cấm máy bay Nga đi qua không phận của họ, điều này có thể gây khó khăn cho việc vận chuyển tiền mặt vào nước này.
Đến ngày 1/3/2022, Nghị viện Châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết đề nghị EU hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Cùng ngày, Chủ tịch EU cho biết kể từ ngày 2/3/2022, EU cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga, gồm đài RT và Sputnik phát sóng ở các nước thành viên EU.
Các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT |
Cũng trong ngày 1/3/2022, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ đình chỉ giao dịch tài chính với 7 ngân hàng Nga. Visa và Mastercard cũng đã chặn nhiều thể chế tài chính của Nga tham gia mạng lưới tài chính của hai tập đoàn này, tiếp đến cho biết sẽ ngừng hoạt động tại Nga. Có thể thấy xung đột Nga - Ukraine đã và đang châm ngòi cho cuộc tháo chạy của hàng loạt công ty khỏi nước Nga.
Một số công ty kết luận rằng, rủi ro về danh tiếng và tài chính là quá lớn khi tiếp tục làm ăn tại Nga. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, BP thông báo sẽ thoái 20% vốn cổ phần khỏi Rosneft - tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga. Các tập đoàn như Shell hay Equinor ASA - công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy, cũng cho biết sẽ chấm dứt mối quan hệ liên doanh với Nga. Còn Volvo Car AB và Volvo AB - hai công ty sản xuất xe tải, cũng thông báo tạm ngưng bán hàng và sản xuất tại Nga. Harley-Davidson và General Motors cũng có động thái tương tự.
Đồng rúp của Nga đã giảm tới 30% trong ngày 28/2/2022, sau khi Mỹ cấm giao dịch với CBR. Điều này làm cản trở khả năng Nga sử dụng dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD để bảo vệ đồng rúp. Trong khi đó, chi nhánh các ngân hàng Nga ở châu Âu đang đứng trước bờ vực sụp đổ khi những người gửi tiết kiệm đổ xô đi rút tiền. Các nhà kinh tế cảnh báo kinh tế Nga có thể suy giảm 5%.
Ứng phó của Nga
Để ứng phó, CBR đã tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% nhằm bù đắp rủi ro mất giá của đồng rúp và lạm phát. Trước đó, cơ quan này đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán chứng khoán Nga, đồng thời đóng cửa thị trường trong ngày 28/2 và 1/3/2022 nhằm ngăn thị trường sụp đổ.
Mỹ và EU vẫn chưa đưa ra biện pháp trừng phạt với ngành dầu mỏ của Nga để không làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu - một yếu tố có thể thúc đẩy lạm phát, nhưng một số thương nhân cho rằng không nên mua dầu từ Nga lúc này vì có thể vướng nhiều rắc rối.
Đáng lưu ý là Mỹ và EU vẫn chưa đưa ra biện pháp trừng phạt với ngành dầu mỏ của Nga để không làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu - một yếu tố có thể thúc đẩy lạm phát. Là một trong ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới (chỉ sau Mỹ và Ả Rập Xêút), Nga cung ứng khoảng 10% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, một số thương nhân cho rằng không nên mua dầu từ Nga lúc này vì có thể vướng nhiều rắc rối.
Mặc dù xuất khẩu năng lượng của Nga về cơ bản chưa bị ảnh hưởng, nhưng châu Âu cũng đã tính đến các giải pháp nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Gazprom. Trước tình thế này, tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom PJSC của Nga vừa có một bước tiến mới để đạt một thỏa thuận cung cấp khí đốt quy mô lớn chưa từng thấy với Trung Quốc. Điều này cho phép Nga có thể chuyển hướng dòng khí đốt sang Trung Quốc từ những mỏ khí vốn chỉ cung cấp cho thị trường châu Âu.
Dù các biện pháp trừng phạt Nga được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ gây ra những hậu quả lớn, nhưng tác động cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Ngược lại, các lệnh trừng phạt càng gây căng thẳng cho một cú sốc cung khác - vốn làm chậm đà tăng trưởng và đẩy lạm phát ở châu Âu, Mỹ lên cao.