Áp lực lạm phát

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:00, 11/03/2022

Xăng tăng giá, nguyên vật liệu đầu vào biến động cộng với những bất ổn địa chính trị thế giới tạo áp lực lạm phát lên nền kinh tế.

Chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh liên tiếp, tăng đến 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng cao nên chỉ số giá giao thông bình quân hai tháng đầu năm đã tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, giá của nhóm hàng thực phẩm tháng 2/2022 cũng tăng 1,68% so với tháng trước. 

Theo TS. Nguyễn Lâm Bích - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình và được sử dụng hầu hết tại các ngành, lĩnh vực nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. 

Điều đáng nói là xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước. Vì thế, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới. Hiện chiến sự Nga - Ukraine dù ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng lại là yếu tố gián tiếp theo hướng tiêu cực đến thương mại Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao.

Bởi chiến sự Nga - Ukcraine cùng lệnh trừng phạt từ Mỹ, châu Âu sẽ tác động đến thị trường nhiên liệu, nguyên liệu và lương thực. Và khi giá cả trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu tại Việt Nam. Với tác động sâu đến nhiều ngành và lĩnh vực, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo ra mặt bằng giá cao hơn của nền kinh tế.

Nhưng không chỉ giá xăng dầu, sản xuất của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, giá cước vận chuyển thế giới. Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng tác động mạnh tới giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu. 

lam-phat-1-4367-1646894967.jpg

Theo tính toán, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế và chiếm đến 50,98% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế. Vì thế, khi giá nguyên vật liệu thế giới biến động đã tác động mạnh đến sản xuất trong nước. Cụ thể, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Ngoài ra, lạm phát còn bị tác động bởi các yếu tố khác đến từ trong nước. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong năm nay, bên cạnh tác động từ thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Dự báo, trong tháng 3 và các tháng tiếp theo, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch... vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư. 

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cũng tạo ra sức ép lớn lên lạm phát trong năm 2022. Cụ thể, Chính phủ đang khẩn trương triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, cùng các gói hỗ trợ của năm 2021 làm tổng cầu tăng đột biến cũng tạo áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022.  

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%. Tuy nhiên, theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm chỉ số CPI tăng khoảng 0,18% và khi giá xăng dầu tăng 10% làm CPI tăng 0,36%. Giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới đang tác động không nhỏ đến giá cả các ngành giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa, giá hàng hóa dịch vụ. Trong thời gian tới, tác động này sẽ tiếp tục diễn ra.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, y tế, giáo dục có thể xảy ra, tạo áp lực đáng kể đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn phải bằng mọi cách để ứng phó với áp lực lạm phát. Nhất thiết cần có giải pháp đồng bộ từ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cân đối hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho đến chính sách điều hành tỷ giá... Trong đó, cần khắc phục sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, tình trạng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tăng sản lượng xuất khẩu với những mặt hàng có giá cao như các mặt hàng nông sản (hạt tiêu, điều), dầu hôi, sắt thép... Bên cạnh đó, phải có phương án thay thế thị trường nhập khẩu, tăng sử dụng sản phẩm trong nước... tiếp tục các giải pháp điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, hài hòa các mục tiêu song song với việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt.

Minh Hào