Giao tranh làm xáo trộn sản xuất điện ảnh tại Đông Âu
Thư giãn - Ngày đăng : 05:00, 12/03/2022
Hollywood “cấm vận” Nga
Đối với các hãng phim Hollywood và các công ty phát trực tuyến toàn cầu, chiến sự tại Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến việc kinh doanh ở nước láng giềng Nga. Ngày 28/2/2022 vừa qua, Disney, Warner Bros. và Sony đã liên tiếp đưa ra thông báo hoãn hoặc hủy toàn bộ kế hoạch phát hành tại Nga, vì lý do khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine. Cụ thể, Warner Bros. dừng kế hoạch phát hành “bom tấn” The Batman vào ngày 3/3; Disney hủy công chiếu bộ phim mới Turning Red của Pixar, dự kiến ra rạp ngày 10/3 và Sony cho biết hãng sẽ không phát hành Morbius tại Nga như đã lên lịch trước đó. Đến ngày 1/3, hãng Paramount tiếp bước, tạm dừng các kế hoạch ra mắt Sonic the Hedgehog 2 (dự kiến ngày 31/3) và The Lost City (ngày 7/4) của Channing Tatum và Sandra Bullock. Universal cũng có động thái tương tự: hủy lịch ra rạp của phim hoạt hình The Bad Guys (ngày 24/3) và Ambulance (ngày 7/4) của đạo diễn Michael Bay.
Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) - đại diện cho các hãng phim thương mại lớn tại Mỹ và Netflix, cũng đã lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của chúng tôi đối với cộng đồng sáng tạo sôi động của Ukraine”, nhưng không đưa ra bất cứ thông báo nào về việc tẩy chay toàn diện Nga hay các công ty Nga. Nhưng Viện Hàn lâm Phim ảnh Ukraine chỉ muốn có thế, khi kêu gọi các nhà sản xuất ngừng cấp phép cho các bộ phim của mình tại thị trường Nga. Trong một bức thư ngỏ gửi cho The Hollywood Reporter, các nhà phê bình phim Ukraine (Hiệp hội Phê bình phim Ukraine), các thành viên của nhóm phê bình phim quốc tế Fipresci, kêu gọi cộng đồng điện ảnh toàn cầu “tránh tham gia bất kỳ bộ phim hoặc sự kiện nào khác do Liên bang Nga tổ chức hoặc tài trợ, trực tiếp hoặc gián tiếp, bất kỳ sự tham gia nào sẽ gián tiếp hợp pháp hóa tất cả nỗi kinh hoàng mà Ukraine đang chịu đựng bây giờ”.
Trên thực tế, sự mất giá thê thảm của đồng rúp (đồng nội tệ Nga) cũng đồng nghĩa với việc doanh thu phòng vé tại Nga khi quy đổi sang đồng đô la Mỹ sẽ thấp hơn đáng kể. Và với việc 7 ngân hàng giao dịch lớn của Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT (tính đến ngày 3/3/2022), việc chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ nước này đang khó khăn hơn bao giờ hết. Việc bàn luận kinh tế và kinh doanh trong ngành giải trí khi đang có chiến sự leo thang có vẻ không phù hợp, nhưng xung đột tại Ukraine, cũng như phản ứng của thế giới đã và đang ảnh hưởng đến nền công nghiệp điện ảnh và truyền hình quốc tế.
Sản xuất phim bị ảnh hưởng lớn
Nebojsa Taraba - nhà sản xuất truyền hình người Croatia chia sẻ: “Hai tuần trước, tôi còn đang bàn luận với các đối tác Nga và Ukraine về kế hoạch cho phần hai của series Silence. Ngày hôm trước, chúng tôi nói về địa điểm quay, kịch bản và hậu kỳ. Ngày hôm sau, chiến sự đã nổ ra và Kyiv chìm trong khói lửa”. Silence là một series phim tội phạm xuyên biên giới được hợp tác sản xuất bởi Croatia, Nga, Ukraine và Đức, quay ở Ukraine và đã được bán cho HBO châu Âu để chiếu trên toàn Trung và Đông Âu.
Nebojsa cho hay, việc kinh doanh với giới giải trí Nga “nói nghiêm túc thì không còn khả thi” sau các trừng phạt của phương Tây. Ông chỉ ra rằng việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT thậm chí cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng tại đảo Síp - nơi đã là trung gian cho các giao dịch chuyển tiền giữa Nga và châu Âu, kể từ các lệnh hạn chế của phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. “Bất kỳ giao dịch tài chính nào với Nga giờ cũng không còn khả thi. Chúng tôi chưa bao giờ gặp chuyện như vậy trước đây”.
Đây thực sự là một thay đổi đột ngột đối với một khu vực đang có sự khởi sắc trong nền công nghiệp sản xuất, cả nội địa và quốc tế. Dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky - người từng là một nhà sản xuất truyền hình và diễn viên hài nổi tiếng - Ukraine bắt đầu hướng ra toàn cầu. Năm 2020, Ukraine đã ra mắt gói ưu đãi thuế từ 25-30% cho các series hoặc phim điện ảnh quay tại nước này, đủ sức cạnh tranh với các gói ưu đãi của các quốc gia láng giềng như Hungary, Romania và Ba Lan. Các bộ phim như Chernobyl của HBO và The Last Mercenary của Netflix đều được quay tại Ukraine, công đoạn xử lý hiệu ứng cho The Wandering Earth - bộ phim khoa học viễn tưởng Trung Quốc cũng được thực hiện tại nước này.
Joseph Chianese - Phó giám đốc Entertainment Partners, một tập đoàn có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) chuyên tư vấn cho các công ty và cơ quan phim ảnh trong bang này về cách xây dựng các chương trình ưu đãi thuế, chia sẻ: “Ukraine thật sự đã nổi lên như một địa điểm hấp dẫn, với gói ưu đãi thuế cạnh tranh, cơ sở hạ tầng chất lượng và phong cảnh mới lạ đầy sức hút. Trong một thành phố như Kyiv, với kiến trúc Nga và phương Tây lâu đời, bạn có thể dựng cảnh cả Moscow và Paris”.
Vì thủ đô Ukraine giờ đây đã thành vùng chiến sự, không thể xác định được khi nào, hoặc liệu nền công nghiệp điện ảnh địa phương sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường. Thật đáng tiếc và trớ trêu làm sao, khi trước cuộc giao tranh, nền công nghiệp giải trí Ukraine và Nga có quan hệ mật thiết với nhau. Alexander van Dlmen - một nhà sản xuất và phân phối người Đức có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành cấp phép và phân phối phim tại khu vực, chỉ ra: “Phần trăm người làm trong ngành phim ảnh và đa phương tiện tại Nga có gốc Ukraine là vô cùng cao”. Ông dẫn chứng, như Alexander Rodnyansky - nhà sản xuất đã được hai đề cử Oscar (các phim Leviathan, Loveless) và Vlad Riashyn - nhà sáng lập của Star Media, “gã khổng lồ” ngành sản xuất đặt trụ sở tại Moscow là hai người Ukraine đóng vai trò then chốt trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp phim ảnh Nga suốt hai thập kỷ qua. Nebojsa cũng lưu ý: “Trong tư cách một danh hài, Tổng thống Volodymyr là một ngôi sao có tiếng tăm ở Nga hơn so với ở Ukraine. Hai nền văn hóa này vốn gần gũi vô cùng”.
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine rất có thể leo thang hơn nữa. Tuy vậy, nhà sản xuất Nebojsa Taraba quả quyết: “Mọi người đều rất lo lắng, rất e ngại, nhưng tôi vẫn có hy vọng. Vì một lúc nào đó cuộc chiến sẽ kết thúc và khi đó, chúng tôi - những người sáng tạo nghệ thuật và văn hóa sẽ giúp chữa lành những vết thương chiến tranh. Bạn không thể tắt âm nhạc vĩnh viễn. Bạn không thể “giết” phim ảnh”.