Chọn đúng nhóm ngành vẫn sinh lãi tốt
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:45, 14/03/2022
Chứng khoán Việt không "quá xấu"...
Kể từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, ngày 24/2/2022, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự hỗn loạn với những biến động khó lường. Dù vậy, có thể nói đến thời điểm này, chứng khoán Việt Nam vẫn không "quá xấu" như lo ngại.
Cụ thể, nếu so với giá mở cửa đầu ngày 24/2/2022, chỉ số VN-Index tính đến phiên cuối tuần qua (ngày 4/3/2022) chỉ giảm 0,4%, là một trong những thị trường giữ được sự ổn định trong chuỗi ngày căng thẳng hơn hai tuần qua. Dù có những thời điểm bốc hơi hàng chục điểm như phiên ngày 24/2/2022, có lúc rớt về mức thấp nhất ở dưới vùng 1.475 điểm, nhưng sau đó thị trường đã bật dậy khi dòng tiền bắt đáy ồ ạt đổ vào.
Theo báo cáo mới đây của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - PYN Elite Fund, Việt Nam sẽ chỉ chịu tác động trực tiếp từ chiến tranh Nga - Ukraine ở mức tối thiểu vì tổng giá trị thương mại giữa hai nước này với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư từ hai quốc gia này vào Việt Nam cũng không nhiều nên không gây ra áp lực giảm vốn FDI.
Dù vậy, nếu cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những ngày tồi tệ dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt trong năm 2022.
Động thái bán ròng liên tục ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã phần nào phản ánh những lo ngại này và chỉ có nhờ dòng tiền nội đỡ mới giúp thị trường không diễn biến quá xấu trong những ngày qua. Chỉ trong vòng 5 phiên từ ngày 24/2 - 2/3/2022, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó nổi bật là phiên ngày 2/3/2022 bán ròng 1.165 tỷ đồng. Điểm tích cực là nhóm này đã mua ròng trở lại trong hai phiên cuối tuần rồi (ngày 3 và 4/3/2022) với tổng giá trị 1.024 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu thép duy trì đà phục hồi tốt khi kỳ vọng hưởng lợi từ việc cấm vận Nga |
...Nhưng phải chọn đúng nhóm ngành
Dù thị trường chung có không ít phiên "đỏ lửa" vì tâm lý lo sợ chiến tranh, vẫn có những nhóm ngành thể hiện sự vượt trội khi giá cổ phiếu không ngừng đi lên, trong số đó có nhóm cổ phiếu thép, như cổ phiếu HSG tăng 15% từ ngày 24/2 - 4/3/2022, cổ phiếu NKG tăng 20%, SMC và HPG tăng xấp xỉ 10%.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép. Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường châu Âu với 15% thị phần.
Công ty Chứng khoán VNDirect dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), Nga và Ukraine đã sản xuất 97,4 triệu tấn thép và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn vào năm 2021. Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 và thứ 4 sang khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021, với khoảng 21% tổng lượng nhập khẩu. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vào năm 2021, chủ yếu là tôn mạ. Do đó, các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu của Việt Nam (bao gồm HSG, NKG) có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.
Trong ngành phân bón, Nga đang chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại trên toàn cầu. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn giá phân bón tăng. Thực tế là giá các cổ phiếu như DPM, DCM đã tăng tương ứng 20% và 30% trong cùng khoảng thời gian. Nhóm lương thực, thực phẩm cũng thể hiện đà tăng vượt trội kể từ khi chiến sự nổ ra, khi Nga và Ukraine cũng là nguồn cung lúa mì chiếm 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, chiếm 1/5 doanh số bán ngô và một tỷ lệ tương tự đối với lúa mạch và chiếm hơn 80% dầu hướng dương. Do đó, các cổ phiếu như LTG, TAR, AFX... đã tăng khá tốt.
Không thể không kể đến nhóm cổ phiếu năng lượng và kim loại, khi Nga hiện là nhà cung cấp lớn về dầu thô và khí đốt tự nhiên, cũng như nhôm, cobalt, đồng, nickel, palladium... Cụ thể, EU phụ thuộc vào Nga khoảng 1/4 lượng dầu thô và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên. Nhôm của Nga cũng chiếm khoảng 10% nhập khẩu nhôm của Mỹ.