Đô thị vệ tinh: Giải “cơn khát” nhà ở bình dân của TP.HCM?
Bất động sản - Ngày đăng : 02:41, 15/03/2022
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trước nhu cầu nhà ở cho người lao động đang tăng cao tại TP.HCM, thành phố cần quy hoạch các đô thị vệ tinh, trong đó có khu đô thị bình dân, nhà ở vừa túi tiền nhưng đảm bảo đầy đủ tiện ích, dịch vụ, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện. “Nếu phát triển được hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi thì chắc chắn giải quyết được bài toán nhà ở”, ông Châu khẳng định.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH XD-TM Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp cũng cho rằng, để bán căn hộ với mức giá từ 400-500 triệu đồng/căn thì cần chọn địa điểm nằm ở vùng ven thành phố, diện tích xây dựng từ 35-45m2.
Thực tế, từ cuối năm 2021, nhiều khu vực vệ tinh TP.HCM đã có kế hoạch phát triển dự án nhà giá bình dân. Ví dụ như giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Dương cũng có quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Cụ thể, địa phương này phấn đấu phát triển 1 triệu căn nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo UBND tỉnh, đây là mục tiêu rất quan trọng nên cần thiết phải xây dựng đề án phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Về quỹ đất ở giai đoạn 2021-2025, dự kiến diện tích đất ở tăng thêm 1.600ha. Trong đó, quỹ đất dành để xây dựng các dự án nhà ở thương mại khoảng 613ha; xây dựng nhà dân tự xây khoảng 728ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội hơn 259ha. Theo kế hoạch, nguồn vốn dự kiến dành cho nhà dân tự xây vào khoảng 59.150 tỷ đồng, do người dân tự xây dựng từ nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình. Còn vốn dành cho nhà ở xã hội, nhà tái định cư vào khoảng 21.050 tỷ đồng từ nguồn thu thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, các tổ chức tín dụng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.
Năm 2022, thị trường bất động sản Bình Dương đang dần xuất hiện trở lại các dự án căn hộ bình dân mức giá 28-30 triệu đồng/m2 như Bcons Sala (Dĩ An) giá bán vào khoảng 27-30 triệu đồng/m2, Tecco Filice Home (Thuận An) giá 26-27 triệu đồng/m2, Iris Tower giá 24-25 triệu đồng/m2, Honas Residence (Thuận An) có giá từ 26-29 triệu đồng/m2... Trong khi đó tại Long An, thị trường này chỉ có khoảng 2-3 dự án cao tầng với mức giá căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc thành lập dự án từ ý tưởng quy hoạch, chọn địa điểm xây dựng đô thị đến xây dựng các cơ sở hạ tầng, xã hội phục vụ sức sống đô thị phải là bài toán tổng thể phức tạp mà vai trò của Nhà nước, Chính phủ là quan trọng.
Theo ông Phong, hiện có nhiều đô thị không hẳn là không đáng sống mà thực tế là không có điểm rơi cho sự phát triển. Có thể thấy tại khu đô thị mới Nhơn Trạch, Đồng Nai... tốc độ đô thị hóa, kết nối hạ tầng ở khu này đã không thu hút được người dân đến đó sinh sống. Có thể thấy qua dự án New City - thành phố mới tại Bình Dương. Chính quyền tỉnh Bình Dương đã có sự nỗ lực lớn trong việc xây dựng một hạ tầng đô thị phát triển hoàn chỉnh, hướng tới Bình Dương thành đô thị trực thuộc Trung ương. Nhưng thực tế, người mua bất động sản vẫn chưa mặn mà khi chọn đến sống chính là câu trả lời.
Theo các chuyên gia, việc phát triển nhà ở khu đô thị vệ tinh hiện vẫn chưa thể giải được bài toán nhà ở cho người lao động. Bởi thứ nhất là vị trí khu đô thị với nơi làm việc chưa quyết định được lựa chọn của người dân. Thời gian di chuyển hằng ngày, buổi sáng đi làm và chiều đi, thời gian đi lại và việc đảm bảo sức khỏe làm việc đang là vấn đề người mua cân nhắc.
Thứ hai là việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã được đồng bộ để người dân sinh sống, sinh hoạt ngay tại khu đô thị đó. Cuối cùng là yếu tố truyền thống gia đình, giao tiếp xã hội cũng sẽ là lý do quyết định.
Tại hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" hồi đầu năm 2021, ông Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, để phát huy hết lợi thế của các khu đô thị vệ tinh thì việc đảm bảo kết nối giữa TP.HCM với các khu vực đô thị, phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, vấn đề về quỹ đất để giải quyết bài toán về tăng dân số cơ học cũng là vấn đề. Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Nam Long cho rằng, để phát triển đô thị, vấn đề phát triển quỹ đất là một trong những đề tài rất khó bởi làm sao có quỹ đất để phát triển đô thị, nếu không có quỹ đất thì quy hoạch cũng chỉ trên giấy tờ. Ngoài ra, yếu tố hạ tầng xã hội, những hệ sinh thái như trường học, bệnh viện, những tiện ích tối thiểu phải có trong quy hoạch các chiến lược phát triển đô thị.