Gỡ khó cho các dự án điện gió chậm tiến độ

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:00, 16/03/2022

Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 30% dự án điện gió của các chủ đầu tư thực hiện không thể vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 để được hưởng ưu đãi theo hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.

Các nghiên cứu về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tại Việt Nam đều đưa ra đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác điện năng từ gió. Theo số liệu báo cáo của EVN, tính đến cuối năm 2021, tại Việt Nam đã có 106 nhà máy điện gió, với công suất lắp đặt trên 5.755MW được triển khai xây dựng. Tính đến đầu năm 2022, đã có gần 70 nhà máy điện gió đầu tư xây dựng tại Việt Nam được cơ quan chức năng chuyên môn có thẩm quyền của Nhà nước công nhận đi vào vận hành khai thác thương mại.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Dự án điện gió Việt Nam: Hệ quả pháp lý từ tác động của đại dịch Covid-19 đối với hợp đồng EPC" diễn ra mới đây, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận và các bên liên quan tổ chức, ông Bùi Văn Thịnh - Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận cho biết điện gió là một điểm sáng đầu tư phát triển tại Việt Nam trong năm 2021. Ông Thịnh dẫn chứng, cuối năm 2020, Việt Nam mới chỉ có 500MW công suất điện gió được đầu tư xây dựng lắp đặt và vận hành, thì đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện gió đã tăng lên đến 4.200MW đi vào vận hành, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia về điện gió ở Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Thịnh cũng cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021 diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, nhiều địa phương đã phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lưu thông hàng hóa, nhân công lao động... gặp nhiều khó khăn. Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 30% dự án điện gió đang đầu tư xây dựng với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000MW, tổng vốn đầu tư khoảng 3-4 tỷ USD của các chủ đầu tư bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 theo cam kết. 

Chủ đầu tư các dự án điện gió này đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, không biết doanh thu ra sao do không được hưởng giá bán điện ưu đãi theo chính sách khuyến khích của Chính phủ, mà còn vướng vào các tình huống pháp lý có thể dẫn đến tranh chấp trong thực hiện hợp đồng EPC (mua bán vật tư thiết bị, thi công) thiệt hại lớn, chi phí đầu tư tăng cao, không biết đi đâu về đâu, trả nợ vốn vay thế nào.

dien-gio-1-7219-1646968278.jpg

Chia sẻ về những khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động đến các hoạt động thi công xây dựng, lắp đặt các dự án điện gió, ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc dự án thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khang Đức cho biết: "Công ty đã thực hiện thi công lắp đặt 8 dự án điện gió tại Việt Nam kể từ năm 2019 đến nay. Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra nhiều khó khăn khiến có dự án theo kế hoạch dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt trong ba tháng, thế nhưng trên thực tế công ty đã phải kéo dài thời gian thi công gấp đôi lên tới 6 tháng mới hoàn thành, chi phí tăng cao do thiếu nhân lực thi công cũng như vật tư tăng.

Tổng giám đốc Điện gió Surpro Bến Tre, ông Hoàng Giang chia sẻ: "Ban đầu bắt tay vào làm điện gió chúng tôi rất phấn khởi, kỳ vọng bởi cơ chế ưu đãi về giá bán điện của Nhà nước ưu tiên các dự án điện gió. Khi thực hiện, tác động từ các biện pháp hành chính trong phòng, chống đại dịch Covid-19 đã khiến một số dự án của công ty chậm tiến độ, không thể hoàn thành vận hành thương mại đúng thời hạn trước ngày 31/10/2021 nên không được hưởng ưu đãi. Chậm tiến độ, không được hưởng ưu đãi giá bán điện theo hợp đồng với EVN, Surpro Bến Tre gặp nhiều khó khăn bởi các dự án điện chỉ có thể bán điện cho EVN. Trước thực trạng này, một số địa phương có dự án đầu tư điện gió đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét cho gia hạn thời gian hoàn thành vận hành thương mại đối với các dự án điện gió chậm tiến độ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ cũng chưa thấy có ý kiến gì về vấn đề này.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho rằng, quy trình thực hiện một dự án điện gió có nhiều công đoạn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, một số dự án điện gió có những thời điểm phải tạm dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ, chưa kể giá vật tư tăng cao. Điều này, khiến các chủ đầu tư điện gió, cũng như nhà thầu thi công đều bị thiệt hại, thậm chí xảy ra tranh chấp về tình huống pháp lý dẫn đến tổn thất lớn mà không nhà đầu tư hay nhà thầu nào mong muốn. 

Trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 đã định hướng các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển năng lượng, trong đó có ưu tiên phát triển điện gió... Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần xây dựng được các chiến lược khoa học hơn không chỉ về kỹ thuật mà cả về mặt pháp lý để thúc đẩy phát triển các dự án, công trình năng lượng (bao gồm các dự án điện gió) đảm bảo khi triển khai an toàn, chất lượng, có hiệu quả. Các chủ thể tham gia thực hiện dự án điện gió, bên cạnh thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận, cần dự báo các rủi ro trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng để cùng nhau có các giải pháp phòng tránh, hoặc giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan khi phát có sinh tình huống có thể dẫn đến tranh chấp, qua đó góp phần thực hiện thành công các dự án điện gió, giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên.

N.Quỳnh