Tái nhiễm Covid-19: Bệnh có nặng hơn lần đầu và cần chú ý gì?
Sống khỏe - Ngày đăng : 03:30, 16/03/2022
Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, những tháng gần đây, kết quả lấy mẫu ngẫu nhiên từ các hộ gia đình khắp đất nước cho thấy số ca tái nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong thời gian từ tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, khi Omicron trở thành chủng thống trị so với Delta.
Tương tự, dữ liệu thu thập từ Nam Phi cũng cho thấy đặc tính tấn công hệ miễn dịch của Omicron, với tỷ lệ tái nhiễm cao hơn các làn sóng dịch trước đó. Khi nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu.
Với tốc độ biến đổi nhanh và chủng mới có thể tránh miễn dịch đã có, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. |
Theo TS. Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh, và chủng mới có thể tránh miễn dịch đã có. Nên, các chuyên gia y tế cho rằng, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch.
BS. Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết nhiều khả năng tái nhiễm Covid-19 là người đã mắc chủng Delta nay nhiễm Omicron. Về nguyên tắc, các trường hợp tái nhiễm là mắc chủng khác. Cùng một biến chủng mà tái nhiễm là rất đặc biệt hiếm, có thể do cơ địa kém.
BS. Khanh chỉ ra, một thời gian dài ở TP.HCM, Covid-19 toàn chủng Delta và không có tái nhiễm biến chủng này. Khi xuất hiện chủng Omicron thì khả năng tái nhiễm là có. "May mắn triệu chứng tái nhiễm nhẹ hơn. Đặc biệt người đã mắc chủng Delta, nay tái nhiễm Omicron triệu chứng đều nhẹ", ông Khanh nói.
Tái nhiễm, bệnh nhẹ hơn, nhưng không được chủ quan
Theo BS. Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 sau khoảng 1 tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, các đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần đầu mắc bệnh, dù F0 trước đó gặp bất cứ biến chủng nào. Hoặc, ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ người bệnh khỏi lần lây nhiễm thứ 2 nhưng vẫn có tác dụng ngăn bệnh chuyển nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh quá gần nhau và cơ địa bệnh nền của mỗi người. Nhóm trên 65 tuổi, người hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và người có nhiều bệnh lý nền, nhất là tăng huyết áp, đái tháo đường thuộc nhóm nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19.
Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ tái nhiễm không cao và thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng không được xem thường, vì người dễ bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, để cơ thể có cơ hội hồi phục sau đợt tấn công của virus, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi và thăm khám sớm khi có triệu chứng hậu Covid-19 và đặc biệt tuân thủ 5K.
Bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh quá gần nhau cũng như cơ địa bệnh nền của mỗi người. |
Chú ý gì khi có triệu chứng tái nhiễm?
BS. Khanh cho biết, nhiễm chủng Delta hay Omicron đều theo dõi giống nhau, quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể mình, tuân thủ 5K để không phát tán virus cho người xung quanh. "Nhiễm chủng Omicron triệu chứng đau rát họng thời gian ngắn, chỉ khoảng 1,5-2 ngày, người bệnh uống nước ấm hoặc ăn sữa chua sẽ giảm đau. Nếu không ho thì không nên uống thuốc ho. Nếu đau họng quá uống giảm đau Paracetamol, không nên quá lo lắng với triệu chứng đau họng", ông nói.
Tuy nhiên, theo vị bác sĩ, triệu chứng đau họng xuất hiện 1-2 ngày đầu khi bệnh khởi phát, nhưng một số người thấy đau họng uống kháng sinh là không đúng. Kháng sinh chỉ có thể uống sau ngày 3-4 phát hiện dương tính mà xuất hiện đau họng, khi đó đã có bội nhiễm. BS. Khanh cũng lưu ý, may mắn cơn sốt của người mắc Omicron ngắn hơn, nhẹ hơn Delta. Tuy nhiên, có người sốt cao, có người sốt nhẹ, đặc biệt có người lạnh run dù không sốt cao.
"Có 2 triệu chứng của người mắc chủng Omicron là sốt và rét run (không nhiều). Tất cả triệu chứng đó giải quyết bằng thuốc hạ sốt. Người bệnh uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol, Panadol vì thời gian sốt ngắn không cần biện pháp gì đặc biệt. Ngoài ra, người bệnh phải uống nước ấm, uống đủ nước, ăn sữa chua để hỗ trợ thêm", BS. Khanh nói.
Vị bác sĩ cũng cho rằng, người tái nhiễm thì triệu chứng mau hết, không nên quá lo lắng mà test đi test lại. Nếu nhiễm lần đầu có thể Delta hoặc Omicron, với người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ hết sau 7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính.