Nhóm trẻ em nào dễ trở nặng khi nhiễm Covid-19?
Trong nước - Ngày đăng : 00:15, 18/03/2022
Nhóm trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non, nhẹ hoặc thừa cân, béo phì, có bệnh nền như ung thư, tim mạch, thần kinh, suy giảm miễn dịch... sẽ có nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, phần lớn trẻ nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ sẽ hồi phục trong 1-2 tuần. Bệnh nhân thuộc nhóm nặng, nguy kịch (chiếm 4%) thường trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Trẻ có thể gặp biến chứng và các triệu chứng viêm đa hệ thống, hoặc Covid-19 kéo dài, cần theo dõi sát.
Dấu hiệu bất thường ở trẻ là sốt cao trên 39 độ C, khó hạ sốt; ăn, bú kém; nôn, tiêu chảy; thở nhanh; li bì, quấy khóc; đau rát họng; phát ban; đau ngực.
Những triệu chứng nguy hiểm như trẻ thở nhanh, rút lõm lồng ngực hoặc phập phồng cánh mũi (bé dưới 2 tháng); trẻ ngừng thở hoặc thở rên, môi tím; chỉ số SpO2 dưới 94%, nhịp tim nhanh hoặc chậm.
Ngoài ra, bé li bì, khó đánh thức hoặc co giật, hôn mê; bỏ bú hoặc nôn nhiều, không bú được; tím môi, tím đầu ngón tay chân; chân tay lạnh, nổi vân tím.
Ở nhà, bố mẹ nên theo dõi sát sức khỏe của con, có thể đếm nhịp thở để đánh giá tình trạng hô hấp. Cách thức đếm nhịp thở, cha mẹ để trẻ nằm trên giường hoặc bế ngang trên tay (đếm khi trẻ ngủ hoặc nằm ngoan không quấy khóc, không sốt cao); kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ, đặt đồng hồ hoặc điện thoại bấm giờ bên cạnh, mắt vừa nhìn đồng hồ vừa nhìn di động bụng của trẻ. Bụng di động lên - xuống tính là một nhịp thở, đếm như vậy trong một phút, có thể đếm 2-3 lần.
Trẻ dưới 2 tháng tuổi được đánh giá là thở nhanh khi nhịp thở trên 60 nhịp/phút. Trẻ từ hai đến 12 tháng tuổi, nhịp thở trên 50 nhịp/phút; trẻ từ một đến 5 tuổi, nhịp thở trên 40 nhịp/phút; trẻ trên 5 tuổi, nhịp thở trên 30 nhịp/phút.
Sau khi khỏi Covid-19, phụ huynh cần theo dõi và phát hiện các biến chứng kịp thời ở trẻ. Viêm đa hệ thống (MIS-C) xảy ra khi trẻ mắc bệnh từ 2 đến 6 tuần, là bệnh lý nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Trẻ sốt cao liên tục; nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; nôn, đau bụng, tiêu chảy; lơ mơ, li bì, co giật và tiểu ít, phù chân, phù mí mắt, cha mẹ cần đưa đến cơ sở y tế ngay.
Các bác sĩ hướng dẫn cách xử trí khi bé ho, sốt... như sau:
Trẻ sốt là khi thân nhiệt đo trên 37,5 độ C. Khi ấy, nới lỏng quần áo trẻ, cho mặc đồ mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi; lau, chườm nách với nước ấm; bổ sung nước nhiều hơn từ sữa, nước hoa quả, nước canh; cho uống thuốc paracetamol hạ sốt. Trẻ ho khan nhẹ, cho uống siro thảo dược; trẻ lớn có thể ngậm kẹo. Khi ho tăng dần, người nhà cần đưa đến bác sĩ khám chứ không tự ý cho bé dùng các thuốc giảm ho, long đờm. Trẻ chảy nước mũi có thể dùng xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
Trẻ nôn, tiêu chảy, bổ sung oresol, dùng thêm men vi sinh. Không tự ý dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
Trẻ kém ăn, cha mẹ cho bé ăn đồ lỏng, nguội, mát và chia nhiều bữa nhỏ, tăng số bữa ăn sữa, cháo và nước hoa quả. Trẻ phát ban có thể là triệu chứng thông thường khi nhiễm virus hoặc dấu hiệu cảnh báo nặng, vì vậy cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế.