Sẽ tính điểm đổi mới sáng tạo các địa phương
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 19/03/2022
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, GDP năm 2021 tăng 2,58%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%... Trong những kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành khoa học - công nghệ nói chung, hoạt động khoa học - công nghệ ở các địa phương nói riêng
Theo bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc, so với thứ hạng 42 năm 2020, sau khi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam. Việt Nam giữ vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo là 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, từ 62 lên 60 so với năm 2020.
Đề cập đến hai nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ ban hành vào đầu năm nay là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong các nghị quyết này, nội hàm về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập đến rất nhiều.
"Có thể nói Chính phủ đã xem khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đồng thời ở cả trong hai nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và ngành khoa học - công nghệ nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành chương trình hành động, đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 82 nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm. Ngoại trừ nhóm nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng, chống Covid-19 và nghiên cứu lý luận, an ninh quốc phòng thì 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần có sự phối hợp của các địa phương.
Nghiêm túc thực hiện hai nghị quyết trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; sửa đổi các thông tư quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ, các thông tư quản lý và hướng dẫn tài chính cho các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tái cơ cấu các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia theo quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm…
Năm nay, ngành khoa học - công nghệ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Từ đây đến cuối nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật Khoa học và công nghệ; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử).
Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét sớm ban hành nên các địa phương quan tâm thực hiện ngay trong năm nay bằng các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, thành phố.