Khai thác thế mạnh của vựa ‘dân số vàng’ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trong nước - Ngày đăng : 00:38, 20/03/2022

Dân số độ tuổi vàng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay ước tính có khoảng 12,2 triệu người, gấp đôi dân số của đất nước Singapore và hơn gấp rưỡi dân số Hong Kong. Đây là một thế mạnh rất lớn về nguồn nhân lực của khu vực này.
Khai thác thế mạnh của vựa ‘dân số vàng’ tại Đồng bằng sông Cửu Long

Từ bao đời nay, ĐBSCL được gọi là “vựa lúa” của Việt Nam. Tổng dân số của khu vực này theo điều tra năm 2019 là 17,6 triệu người, trong đó độ tuổi dưới 15 chiếm 22%, độ tuổi trên 65 chiếm 8,4%, lực lượng lao động ở độ tuổi vàng chiếm tới 12,2 triệu người.

Đặc điểm dân số độ tuổi vàng tại ĐBSCL

Nếu so sánh số dân trong độ tuổi vàng của ĐBSCL với tổng dân số của một quốc gia, kết quả là dân số tuổi vàng của khu vực này cao gấp đôi dân số Singapore và hơn gấp rưỡi dân số Hong Kong. Đây là một thế mạnh rất lớn của ĐBSCL khi sở hữu lượng dân số vàng lớn.

dan-so-dbscl-3317-1647747500.png

Số người trong độ tuổi vàng của ĐBSCL so với các nước khác trong khu vực. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, xét về trình độ giáo dục cao nhất, theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bức tranh về tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ giáo dục cao nhất ở ĐBSCL có sự thay đổi không tích cực. Cụ thể, tỷ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học và chưa bao giờ đi học vẫn chiếm khá cao (so với năm 2009, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên). Trong khi đó, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tăng nhẹ 3,4% so với năm 2009.

Xét về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ dân số vàng ở ĐBSCL được đào tạo chuyên môn chiếm 9,7% vào năm 2019, tăng 3,1% so với năm 2009. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực về cơ cấu dân số được đào tạo.

Tuy nhiên, so với các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ này thấp và tăng chậm nhất so với cả nước (đồng bằng sông Hồng 27,9%; Đông Nam Bộ 20,8%; Trung du và miền núi phía Bắc 18,1%, Tây Nguyên 13,9%). So với năm 2009, tỷ lệ này chỉ tăng lên 3,1%; trong khi đó đồng bằng sông Hồng tăng 8,5%, Đông Nam Bộ tăng 5,6%, Trung du và miền núi phía Bắc tăng 4,4%, Tây Nguyên tăng 4,1%.

Có thể nói, trong 10 năm qua, tỷ lệ dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL có thay đổi nhưng chậm hơn so với các vùng kinh tế - xã hội khác, cho nên trình độ chuyên môn của dân số ở ĐBSCL vẫn duy trì ở vị trí thấp nhất. Điều này có nghĩa rằng, ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” về trình độ giáo dục của cả nước.

Tận dụng triệt để lợi thế của cơ cấu dân số vàng.

Để làm được điều này, trước hết cần có giải pháp liên quan đến giáo dục - đào tạo để xóa bỏ “vùng trũng” về trình độ ở ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Đó là đầu tư giáo dục, đẩy mạnh phổ cập giáo dục... Tiếp đến, cần có các giải pháp tạo và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động được đào tạo như hỗ trợ vay vốn tín dụng tạo việc làm, thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn...

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều gặp tình trạng xuất nông sản thô, giá trị không cao đi các nước. Những năm gần đây, với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đã có nhiều quyết định, hành động đổi mới tư duy theo hướng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa giá trị cao, đã qua chế biến mang thặng dư lớn hơn cho nông dân, cho doanh nghiệp và cho quốc gia.

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá trong nông nghiệp, đáp ứng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất lại đòi hỏi lực lượng lao động phải có chất lượng cao.

Cũng chính vì lâu nay, do thu nhập trong nước còn thấp, đặc biệt đối với vùng ĐBSCL, nên khi xuất khẩu lao động thì cũng bị mặc định là lao động từ Việt Nam giá rẻ. Vậy vấn đề đặt ra, làm thế nào để loại bỏ tư duy lao động giá rẻ cũng như tận dụng dân số vàng tại ĐBSCL hiệu quả.

Lao động đi nước ngoài: Tập trung đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam đi làm việc ở các quốc gia Đông Á tuy có thu nhập tốt hơn làm việc trong nước, nhưng nhìn chung vẫn tập trung vào phân khúc lao động không tạo thặng dư cao.

ĐBSCL đang sở hữu “vựa lao động tuổi vàng”, có thể đổi mới phương pháp định vị phát triển nguồn nhân lực này, biến thành thế mạnh nguồn nhân lực tốt, đã qua đào tạo theo nhu cầu và tiêu chuẩn của doanh nghiệp nước ngoài trước khi chuyển đi nước ngoài làm việc.

luong-binh-quan-DBSCL-8903-1647747500.pn

Nguồn: https://www.careercross.com/en/salary-survey

Biểu đồ mức lương bình quân của lao động nước ngoài tại Nhật Bản cho thấy, lao động tay nghề cao hưởng 302.000 yên mỗi tháng (tương đương 60 triệu đồng) còn lương của thực tập sinh là 162.000 yên/tháng (tương đương 30 triệu đồng): một mức chênh lệch rất lớn, đến 100%, giữa lao động được đào tạo tay nghề cao và lao động phổ thông.

Năm 2021, lượng kiều hối của kiều bào và lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về đạt 12 tỷ USD, trong đó tiền của lao động ở nước ngoài gửi về đạt từ 3-4 tỷ USD. Khi tăng hàm lượng lao động tay nghề tốt làm việc ở nước ngoài thì thặng dư Việt Nam thu được cao hơn khá nhiều, có thể lên 5 đến 7 tỷ USD/năm chưa tính mức tăng trưởng lao động đi nước ngoài.

Hợp tác đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực với các quốc gia phát triển

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia công nghiệp hóa cao và có dân số già, đồng thời cả hai nước đều khan nguồn lao động. Tại Nhật Bản, theo thống kê năm 2020 thì số người già trên 65 tuổi chiếm đến gần 37 triệu người trên tổng dân số 126 triệu người. Dự báo đến 2036 thì số người già trên 65 tuổi chiếm 1/3 tổng dân số.

ĐBSCL chính là một “vựa dân số vàng” tiềm năng, nếu được tổ chức đào tạo bài bản sẽ là nguồn cung lớn để bù đắp cho số lao động già đi nhanh chóng của Nhật Bản. Nếu như trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam không thể khai thác mãi lợi thế xuất khẩu nông sản thô, không qua chế biến thì cũng tương tự trong lĩnh vực lao động, cần khai thác cơ hội dân số vàng của khu vực ĐBSCL để cung ứng nguồn nhân lực tốt cho các thị trường như Nhật Bản này.

Để làm được điều này cần loại bỏ tư duy cung ứng lao động giá rẻ. Thay vào đó, cung ứng nguồn lao động tay nghề tốt để đảm nhận những công việc có thu nhập cao. Bởi vì, trong mỗi thị trường lớn như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhu cầu lao động trình độ cao, lao động tay nghề tốt là rất lớn. Lý do là dân số già nhanh gây thiếu hụt, chứ không chỉ thiếu hụt lao động giản đơn.

Tại Nhật Bản, khi xét cơ cấu lao động ngành nông lâm nghiệp năm 2020, có khoảng 2,1 triệu người làm việc trong ngành này và số lượng công nhân cổ cồn xanh cũng khá thấp. Phần lớn lao động làm công việc thu nhập cao ở các công sở.

Theo đó, giả định ĐBSCL nhắm mục tiêu cung ứng mỗi năm 10.000 lao động qua đào tạo, tay nghề tốt đi Nhật Bản với thu nhập bình quân 5 triệu yên/năm (tương đương 1 tỷ đồng) thì khu vực ĐBSCL sẽ có nguồn thu 10.000 tỷ đồng từ người lao động. Con số sẽ gấp đôi, gấp ba khi đặt mục tiêu lớn hơn.

Như vậy, về phương pháp, khu vực ĐBSCL cần tập trung vào các ngành nghề thu nhập cao tại Nhật Bản và Hàn Quốc và tính toán nguồn cung hàng năm đi hai thị trường này. Tập trung trọng yếu vào phân khúc lao động tạo thu nhập cao với nguồn lao động chất lượng cao.

Tổ chức đào tạo và phát triển nguồn lao động để có tay nghề tốt, thu nhập cao tương đương lao động bản xứ. Việc này hoàn toàn khả thi khi kết nối hợp tác với các trường đào tạo, viện nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn Quốc để đào tạo lao động.

Bên cạnh đó, cũng cần theo dõi và thống kê dân số các nước trên, tính toán cơ cấu dân số mỗi tỉnh thuộc ĐBSCL để tạo nguồn cung bền vững.

Hình thành cộng đồng làm chủ nhỏ tại Singapore và Hong Kong

Trong khi đó, văn hóa khu vực ĐBSCL đã có lịch sử giao thoa với văn hóa người Hoa từ hơn 300 năm trước. Đó là cột mốc năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho doanh nhân người Hoa là Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Đây chính là một thế mạnh nền tảng của ĐBSCL có thể khai khác các thị trường phát triển có văn hóa tương đồng là Singapore và Hong Kong.

Các ngành nghề của người ĐBSCL tương đồng có thể kể như làm bánh, làm mỳ, nấu ăn, dịch vụ giải trí có thưởng, làm đẹp, thẩm mỹ... Do vậy có thể thiết lập các trường nghề chuyên nghiệp từ châu Âu, Nhật Bản để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên lợi thế tay nghề của lao động ĐBSCL về phục vụ đời sống thường nhật như nêu trên.

Từ đó có thể hình thành các cộng đồng nhỏ sản xuất kinh doanh tại Singapore và Hong Kong, khai thác các khoảng trống bỏ lại về ẩm thực vỉa hè, tiệm cắt tóc, may vá quần áo, sửa chữa nội thất, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ... dần hình thành các cộng đồng làm chủ nhỏ ở các quốc gia này.

Đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có dân số mỏng như Singapore thì nguồn lao động trực tiếp rất khan hiếm. Khi định vị cung ứng lao động đi khu vực này thì nên xác định làm lao động trực tiếp nhưng ở tâm thế làm chủ. Những người chủ đến từ Việt Nam này có thể là chủ tiệm tóc, tiệm làm móng, cửa hàng giặt là, nhà hàng, quán ăn, tiệm giày… phục vụ cho lao động phổ thông và các thành phần lao động khác trong thị trường đó vì nhu cầu thường nhật rất lớn.

Lê Ngọc Ánh Minh