Giá dầu giảm mạnh, vì đâu?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 25/03/2022

Từ đỉnh cao 130 USD/thùng đạt được vào ngày 8/3/2022, giá dầu đã có chuỗi ngày giảm về dưới 94 USD/thùng từ hôm 15/3/2022, giảm gần 28% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch.
OIL-6044-1648114066.jpg

Nếu như việc Nga tấn công Ukraine kéo theo các biện pháp cấm vận của phương Tây như cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, đã góp phần đẩy giá dầu tăng vọt, thì những cuộc đàm phán gần đây giữa Nga và Ukraine có diễn biến tích cực đã giúp hạ nhiệt giá năng lượng này.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nguy cơ lạm phát có thể kéo theo sụt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng cũng ảnh hưởng xấu lên thị trường này. Lạm phát tăng vọt trở lại đe dọa sự phục hồi kinh tế mong manh đi kèm với suy thoái đang ngày càng trở nên gần hơn là "bài toán đau đầu" tại nhiều quốc gia.

Việc Trung Quốc - nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, gần đây đã phong tỏa hàng loạt thành phố để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến nền kinh tế phát triển chậm lại mà còn đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng làm suy yếu nhu cầu dầu. 

Về nguồn cung, sản lượng dầu từ Iran có thể được khôi phục trong thời gian tới, khi mới đây các quan chức nước này cho biết thỏa thuận hạt nhân sắp hoàn tất, mở đường cho các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ. Theo đó, thị trường có thể có thêm nửa triệu thùng dầu của Iran được bổ sung vào nguồn cung toàn cầu trong quý II năm nay. 

Sản lượng có thể tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian còn lại của năm, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung vốn đã đẩy giá dầu lên cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, thị trường dầu có thể mất 3 triệu thùng/ngày dầu của Nga từ tháng 4/2022.

Dù vậy, đánh giá xu hướng dài hạn, giới chuyên gia năng lượng cho rằng đà tăng của giá dầu vẫn tiếp diễn, khi mà xung đột quân sự dường như sẽ chưa sớm kết thúc. Sự sụt giảm nhu cầu không theo kịp lỗ hổng nguồn cung, khiến thị trường dầu vẫn mất cân bằng và đẩy giá lên cao, nhất là khi các thành viên OPEC vẫn chia rẽ về khả năng nâng sản lượng.

Gia lê