Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ và Trung Đông
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:22, 26/03/2022
Thị trường Ấn Độ và Trung Đông đang mở thêm cơ hội xuất khẩu cho DN Việt |
Trên đà tăng trưởng
Thị trường Trung Đông mà chủ yếu là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC), gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman đang mạnh hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC chỉ đạt 2,7 tỷ USD thì đến năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, lên 12,5 tỷ USD.
Các DN TP.HCM đã xuất khẩu sang Trung Đông các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may, máy tính, linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại. Chỉ riêng với UAE, năm 2021, TP.HCM đã xuất khẩu hàng hóa với tổng giá trị 230 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020. TP.HCM cũng xuất sang Iraq hàng hóa trị giá 130 triệu USD trong năm qua, tăng 21% so với năm trước.
Không chỉ tăng trưởng xuất khẩu, theo ông Ngô Toàn Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait, các mặt hàng điện thoại, thủy sản, giày dép, nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng của Việt Nam đã có sức cạnh tranh với hàng Malaysia, Trung Quốc tại thị trường này.
Chưa vượt bậc như khu vực Trung Đông nhưng vài năm gần đây, thị trường Ấn Độ cũng đã tăng nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam mới đây, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2021 đã tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 13,2 tỷ USD. Riêng TP.HCM, kim ngạch hai chiều đạt 1,45 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Có rất nhiều mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, cao su, than đá, điện thoại di động, linh kiện điện tử… xuất khẩu sang Ấn Độ tăng mạnh trong năm qua. Đây là tín hiệu tốt để hai bên tiếp tục thúc đẩy thương mại trong năm 2022, và dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2022 sẽ tiếp tục tăng và đạt 15 tỷ USD.
Với mặt hàng nông sản, đặc biệt là thanh long, Việt Nam đang có thêm đầu ra khi Ấn Độ tăng cường nhập khẩu trái cây này. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, thanh long xuất khẩu sang các nước đạt 1,04 tỷ USD, chiếm gần 30% tỷ trọng xuất khẩu hoa quả của cả nước. Hiện trái thanh long Việt Nam đã chiếm gần 90% thị phần tại nước này.
Trước nhu cầu đang tăng cao của người tiêu dùng trong nước, đã có những thương nhân Ấn Độ sang Việt Nam thuê vựa, đặt hàng tại vựa để mua thanh long mang về nước.
Trái thanh long Việt Nam hiện đang chiếm 90% thị phần tại Ấn Độ |
Vượt rào cản, đón cơ hội rộng mở
Theo ông Ngô Toàn Thắng, cơ hội cho DN Việt tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC. Hiện Việt Nam đã ký các Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với 5/6 nước thuộc khối này. Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Các quốc gia này cũng áp mức thuế rất thấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngoài khối, chỉ 0-5%.
Hiện các quốc gia Trung Đông nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Dự báo, đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của 16 nước này lên đến 70 tỷ USD/năm. Trong đó, các mặt hàng như gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, thịt sữa, rau quả có nhu cầu nhập khẩu rất lớn, khoảng từ 2-8 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, vì thế cơ hội khai phá thị trường hơn 400 triệu dân vẫn đang rộng mở với DN Việt.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những rào cản nhất định đối với các DN khi tham gia thị trường khối GCC. Theo ông Ngô Toàn Thắng, các nước GCC yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác… do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng vịnh (GSMO) cấp và giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản.
Một khó khăn khác, theo nhiều DN là họ vẫn đang rất thiếu thông tin về thị trường Trung Đông và Ấn Độ. Bên cạnh đó, rào cản về logistics và thanh toán quốc tế cũng khiến DN e ngại trong việc mở thêm thị trường mới. Vì vậy, DN rất cần các cơ quan đại diện nước ngoài của Việt Nam cập nhật thông tin thị trường, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, dự báo… để chia sẻ với DN, giúp DN có thể sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiêu dùng.
Kinh nghiệm thực tế thâm nhập thị trường Ấn Độ nhiều năm qua, ông Nguyễn Quốc Duẩn - Tổng giám đốc Công ty Sông Lan ITD cho rằng, muốn khai phá thị trường hơn 1,4 tỷ dân này, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải chọn được đối tác tốt, phù hợp. Kế đó là phương thức thanh toán. Cần tránh đưa DN vào thế “cửa dưới” theo kiểu “hàng gửi trước thanh toán sau” rất rủi ro.