Đồng bằng sông Cửu Long: Giải nút thắt logistics

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:30, 28/03/2022

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống sông ngòi lớn, đa dạng, tổng chiều dài gần 28.000km, rất phù hợp để phát triển giao thông đường thủy, nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô rất hạn chế.

Nhiều nút thắt chưa giải

ĐBSCL chiếm một tỷ trọng khá lớn, hơn 34% và Việt Nam cũng là quốc gia đóng góp 20% lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo lương thực cho châu Á, châu Âu và châu Phi. Để đáp ứng sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, nhu cầu cấp thiết của ĐBSCL là phải phát triển ngành dịch vụ logistics, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, có đến 80% hàng hóa tại khu vực ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu đến các cảng khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Thế nhưng, trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự lưu thông của hàng hóa nói riêng và kinh tế vùng nói chung.

Ban-sao-cua-cd10b1268405665b3f-3727-5534

Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển cảng biển và logistics cho vùng ĐBSCL" vừa diễn ra tại Long An do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức ngày 18/3/2022, PGS-TS. Hồ Thị Hoài - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, hiện nay 80 loại hàng hóa tại ĐBSCL vẫn sử dụng hình thức vận tải đường bộ. Tương lai xây dựng đường cao tốc, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, các tuyến cao tốc hiện nay đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Những trạm thu phí trên đường gây mất nhiều thời gian. Đối với loại hàng hóa như hoa quả, chỉ 1-2 tiếng là có thể hỏng, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. 

Về đường thủy, mặc dù ĐBSCL có lợi thế rất lớn nhưng quy mô tương đối nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển. Về đường hàng không, việc đưa hàng tới sân bay mất một khoảng thời gian, thêm thời gian xử lý hàng, trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện để sử dụng phương thức vận tải có thiết bị bảo quản mát và bảo quản lạnh sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa. Có một thống kê cho thấy, hiện nay tỷ lệ hư hỏng hàng hóa sau thu hoạch của Việt Nam khoảng 30%, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả tiêu thụ nội địa cũng gặp khó khăn do không có cách thức vận tải phù hợp, kéo dài thời gian vận chuyển ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. 

Thực tế hiện nay, vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng... Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, phần lớn dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp  logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ, chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay hạ tầng kho lạnh hiện rất mỏng. ĐBSCL chiếm hơn 95% sản lượng lúa, 65% thủy sản, 75% sản lượng rau quả, trái cây nhưng hệ thống lạnh chỉ đạt 10% khu vực phía Nam. Hiện nay, người sản xuất và phân phối cần nhiều kho đông hơn, kho mát chỉ chiếm 10-20%. Các nhà đầu tư cần biết rõ nhu cầu thị trường để kịp thời đáp ứng.

Ban-sao-cua-hinh-A-1923-1648104096.jpg

Đầu tư hạ tầng cho phù hợp 

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, hiện nay tại khu vực ĐBSCL đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics, xây dựng kho lạnh bảo quản bằng khí nitơ và CO2 để góp phần kéo dài thời gian trước khi ra thị trường. Tuy nhiên, phần lớn vẫn còn dè dặt, bởi chi phí kho lạnh rất cao. Một số doanh nghiệp thì lo lắng, sợ chính sách thay đổi, họ không thể khai thác được. Vì thế, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, dịch vụ. 

Theo ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, cảng quốc tế Long An có một vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở tỉnh Long An mà còn là tiền đề cho xuất khẩu của khu vực ĐBSCL. Với vị trí nằm trên luồng sông Soài Rạp mé phải thượng nguồn sông Đồng Nai, cách cửa biển Đông 20km đường sông, cách phao số 0 khoảng 45km, cách trung tâm TP.HCM 38-40km theo đường QL50, cách sân bay Tân Sơn Nhất 65km... giúp cảng quốc tế Long An là nơi trung chuyển hàng hóa thuận tiện và giúp giảm đáng kể chi phí logistics cho các DN.

Bàn về giải pháp, ông Thắng cho biết tiềm năng của cảng quốc tế Long An và giới thiệu về mạng lưới "bus container" đang dự kiến triển khai. Ông Thắng nói: "Từ cảng quốc tế Long An, chúng ta sẽ có các sà lan, các chuyến tàu liên kết mật thiết với các cảng khác từ Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Long Xuyên cho đến cảng Ngã Bảy... Mô hình chung là các cảng đều nhận hàng và liên kết với nhau, khách hàng khắp nơi đều có thể gửi hàng ở các cảng để chuyển về một đầu mối. Các cảng liên kết với nhau theo từng chuyến vận chuyển cố định hằng ngày như mô hình xe bus, thì khi đó sẽ phát huy được tối đa hiệu quả của các cảng trong vùng".

Theo ông Thắng, việc phát triển hệ thống kho lạnh tại cảng hiện nay sẽ là tiền đề để có thể liên kết mạng lưới "bus container". Mô hình này được nhiều người tham dự quan tâm, hay nói như ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hội Vận tải đường thủy nội địa Việt Nam: "Hoàn toàn có thể hiện thực hóa nếu các đội tàu chở container phát triển hơn nữa".

Vân Thị