Nông phẩm Việt đua nhau xuất khẩu
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 28/03/2022
Mở rộng thị trường
Ba tháng đầu năm, các DN sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam đã liên tiếp ký những đơn hàng lớn với một số nước. Trong đó, Công ty Trung An xuất hơn 11.000 tấn gạo sang Hàn Quốc và 1.000 tấn sang Đức, Malaysia; Công ty Lộc Trời xuất khẩu 4.000 tấn sang châu Âu, châu Mỹ; Công ty Dương Vũ xuất 10.000 tấn sang Trung Quốc...
Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã ký kết bản ghi nhớ xuất khẩu 3 triệu tấn gạo trị giá 1,35 tỷ USD cho nước này trong ba năm, bắt đầu từ năm 2022. Ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Công ty Angimex cho biết, hợp đồng này sẽ là tiền đề cho những đơn hàng lớn hơn trong khu vực Tây Phi. Năm nay, Angimex sẽ lấy thị trường Tây Phi và Philippines làm trọng điểm.
Mới đây, Công ty CP Pacific Foods cũng đã xuất khẩu 16 tấn hàng cà phê hòa tan, gia vị, nước mắm, nông sản... sang Mỹ, mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lớn trong thời gian tới. Ông Lê Bá Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Foods cho biết, kế hoạch trong tháng 4/2022, công ty sẽ tiếp tục xuất khẩu lô hàng 28 tấn nông sản đến Mỹ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như cà phê tăng 35,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%... Điển hình như mặt hàng gạo, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm đạt 906 nghìn tấn với 437 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, mặc dù các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam có tính bổ trợ cho thị trường Pháp nhưng hiện chỉ có 50/500 mã hàng có giá trị xuất khẩu cao. Điều này cho thấy các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh sang thị trường này.
Thống kê cho thấy, mỗi năm nông sản và thực phẩm nhập khẩu của Pháp cung cấp tới 20% lượng tiêu dùng nội địa nước này. Giá trị nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, từ 28 tỷ euro năm 2000 lên 56 tỷ euro trong năm 2019.
Nhiều cơ hội mới
Mặc dù dịch bệnh, chi phí logistics tăng cao nhưng các DN đều cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài các nước trên, các thị trường tiềm năng khác như Malaysia, Mỹ, một số nước châu Phi, Hàn Quốc cũng tăng lượng nhập khẩu gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Bên cạnh đó, Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực trong năm nay cũng giúp gạo Việt Nam đẩy mạnh số lượng vào thị trường này.
Theo ông Nhân, hiện nay tình trạng hạn mặn, hoạt động logistics toàn cầu vẫn chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường là những yếu tố tác động chính đến ngành lương thực. Tuy nhiên, do chiến sự tại Ukraine, nhu cầu cũng như giá thực phẩm tăng, xu hướng tăng dự trữ quốc gia đang diễn ra ở nhiều nước là tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu lương thực.
TS. Trần Quốc Hùng - chuyên gia kinh tế phân tích thêm, Nga là nước xuất khẩu lúa mì vào loại lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ hai, cả hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% lúa mì cho thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác. Giá gạo và nông sản tăng là có lợi cho DN Việt Nam. Thời điểm này cũng là cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm sang thị trường châu Âu - nơi mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD lương thực, thực phẩm.
"Trước mắt, Việt Nam nên sử dụng hết hạn ngạch xuất 80.000 tấn gạo/năm sang EU với thuế suất 0%. Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cao cấp đang được người châu Âu ưa chuộng. Bên cạnh đó, Chính phủ, các hiệp hội DN và DN phải thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga", TS. Trần Quốc Hùng nói.
Tuy nhiều cơ hội nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Nafoods, để nông phẩm Việt có thể chinh phục các thị trường khó tính, DN cần chuẩn hóa quy trình sản xuất hàng xuất khẩu theo chuỗi giá trị khép kín, quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy với trang thiết bị đạt chuẩn, đảm bảo nông sản không bị tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Chia sẻ trên Báo Đầu tư ngày 23/3/2022, bà Amy Nguyễn - CEO Dragonberry Product (Mỹ) cũng lưu ý các nhà xuất khẩu Việt Nam: "Người Mỹ thích sự khác biệt, đòi hỏi chất lượng cao, đồng nhất, ổn định. Đây là sân chơi cạnh tranh nhưng công bằng, có nhiều thị trường ngách cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu".