6 trọng tâm để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 29/03/2022

Để đạt được mục tiêu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu đưa ra tại Đại hội XIII của Đảng, sắp tới đây Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn.
6 trọng tâm để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, nền kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành và phát triển ở Việt Nam. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đã được điều chỉnh phù hợp hơn. Các yếu tố nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường đã hình thành và ngày càng thể hiện rõ, quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh và làm giàu chính đáng. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008; từ nước nhập siêu đã trở thành nước xuất siêu.

Tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng ngày càng hoàn thiện hơn, xác định rõ hơn mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội. Cùng với đó, hệ thống pháp luật kinh tế liên tục được hoàn thiện phù hợp với quá trình hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế. Các yếu tố nền tảng của một nền kinh tế thị trường đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, bộ máy quản lý Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện minh bạch…

Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ.

Báo cáo của CIEM cũng chỉ rõ, các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai. Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân, phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm và có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI).

Tại Việt Nam, tư tưởng trông chờ của khu vực doanh nghiệp vào Nhà nước vẫn rất lớn, khác với các doanh nghiệp ở nền kinh tế thị trường đã phát triển. Họ cũng trông chờ Nhà nước, nhưng hiếm khi yêu cầu được “giải cứu”, nhưng ở Việt Nam, sự trông chờ đó đã tạo sức ép để Nhà nước can thiệp, sự can thiệp đó nếu hợp lý và có liều lượng vừa phải thì tốt, còn nếu thái quá sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc hoạt động của thị trường.

Do đó, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bên cạnh cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những “cú sốc” của thị trường, của nền kinh tế thay vì đòi hỏi được “giải cứu” từ phía Nhà nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), việc vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường cần đòi hỏi ở cấp độ cao hơn. Điều này không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp đứng vững, giảm rủi ro trước những biến động của thị trường thế giới, mà còn giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đặc biệt hơn, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quản hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế… phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo đó, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nghiên cứu của CIEM cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào 6 nội dung chính, bao gồm thứ nhất tiếp tục đổi mới tư duy và hình thành rõ hơn về mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Thứ ba, tập trung cải cách sở hữu và phát triển lực lượng sản xuất, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Thứ tư, tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Thứ năm, đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tư. Thứ sáu, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và môi trường sinh thái.

Để hoàn thiện kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới và hội nhập kinh tế quốc tế, “tới đây, Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn, có trách nhiệm xã hội và môi trường.

MH