Trung Quốc chống dịch mạnh tay đe dọa chuỗi cung ứng
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 29/03/2022
Trung Quốc từ lâu được xem là công xưởng của thế giới, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào đối với việc xuất khẩu từ Trung Quốc cũng có thể dẫn tới tình trạng lạm phát trên thế giới.
Hàng loạt thành phố lớn của Trung Quốc bị phong tỏa gần đây để đối phó với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên cả nước. Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Đặc biệt, việc phong tỏa thành phố Thâm Quyến với 17 triệu dân sẽ giáng đòn trực tiếp vào Quảng Đông - tỉnh chiếm tới 11% GDP cả nước.
Việc phong tỏa Thâm Quyến sẽ tác động đến sản lượng trong các ngành như công nghệ và máy móc, từ đó làm gián đoạn nguồn cung của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất vốn đang đau đầu vì chi phí tăng cao do xung đột Nga - Ukraine, nay lại bị "cấm cửa" chống dịch. Foxconn - một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple đã tạm ngưng hoạt động tại Thâm Quyến. Hai hãng xe Volkswagen AG và Toyota Motor Corp cũng ngừng một số hoạt động ở tỉnh Cát Lâm.
Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Mỗi tháng cảng này xử lý khoảng 10% lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây áp lực nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng.
Thượng Hải - trung tâm kinh doanh lớn nhất Trung Quốc cũng đang áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Trường học, rạp chiếu phim đã bị đóng cửa. Giới phân tích đánh giá kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt bởi chiến lược Zero-Covid.
Theo các nhà kinh tế tại Úc và New Zealand Banking Group Ltd., một nửa GDP và dân số Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch mới nhất. Bloomberg Economics cho biết, tính đến ngày 9/3/2022, 14 tỉnh có vùng nguy cơ dịch cao hoặc trung bình chiếm 54,4% GDP trên toàn đất nước Trung Quốc.