Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:15, 30/03/2022
Tăng trưởng kinh tế
Dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng trong quý II và quý III, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 vẫn đạt 13,53%, cao hơn so với năm 2019 và 2020. Đặc biệt, mức tăng trưởng tập trung chủ yếu trong hai tháng cuối năm, khi nhu cầu vay vốn hồi phục mạnh mẽ và các ngân hàng tăng tốc cho vay trong giai đoạn cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Diễn biến tích cực đó tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2022, khi tăng trưởng tín dụng đạt 2,74% ngay trong tháng 1, cao gấp 3,6 lần so với mức tăng 0,76% của cùng kỳ năm ngoái. Dù tháng 2 có dấu hiệu giảm nhẹ trở lại, nhưng đây là diễn biến thông thường có tính chất mùa vụ, khi mà cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng tín dụng sụt giảm 0,1%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ cao hơn |
Trước triển vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay, khi chính sách sống chung và thích nghi an toàn với dịch bệnh đã nhận được sự đồng thuận cũng như được sự hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế với chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng, có nhiều cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ cao hơn nhiều so với hai năm vừa qua. Một số tổ chức kinh tế dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể lên mức 15% hoặc cao hơn, vượt trội so với mục tiêu kỳ vọng 14%.
Với nhu cầu trong nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư và sản xuất, kinh doanh nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu vay vốn gia tăng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy các ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng tích cực khi đạt 54,3 điểm trong tháng 2, tăng so với 53,7 điểm của tháng 1/2022. Về cơ bản, chỉ số này lớn hơn 50 điểm cho thấy nền kinh tế tiếp tục mở rộng.
Lãi suất thấp sẽ kích thích vay vốn
Đáng lưu ý là theo kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền dự toán lên đến 40.000 tỷ đồng của Chính phủ sắp được triển khai và dự kiến kéo dài đến hết năm 2023, cũng sẽ tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng. Chương trình này có thể càng thúc đẩy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đủ điều kiện, trong khi các ngân hàng cũng sẽ cạnh tranh với nhau và tích cực giải ngân sớm để hỗ trợ khách hàng.
Trước triển vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay khi chính sách sống chung và thích nghi an toàn với dịch bệnh đã nhận được sự đồng thuận, cũng như được sự hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế với chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng, có nhiều cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ cao hơn nhiều so với hai năm vừa qua.
Được biết, các đối tượng được hỗ trợ lãi suất gồm: (1) khách hàng thuộc 9 nhóm ngành đã bị thiệt hại nặng nề trong hai năm đại dịch vừa qua là hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy tính và hoạt động liên quan, dịch vụ thông tin; (2) có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua, xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục đặt ra mục tiêu lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-1% trong hai năm nhằm hỗ trợ các đối tượng được ưu tiên do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc lãi suất cho vay nếu được giữ ổn định hoặc giảm thêm theo định hướng của NHNN rõ ràng sẽ kích thích nhu cầu vay vốn.
Dù vậy, với nỗi lo áp lực lạm phát đang quay trở lại trong thời gian gần đây, việc giữ được lãi suất ổn định và duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng sẽ gặp những thách thức nhất định trong thời gian tới. Trong những năm qua, NHNN luôn giữ mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.