Xuất khẩu cà phê vượt mốc 1 tỷ USD sau 2,5 tháng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 31/03/2022
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cà phê chỉ tăng trên 22% về lượng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 54,44%. Đây chính là lợi thế và là xu hướng mà ngành nông nghiệp đang hướng tới đó là giảm số lượng, tăng chất lượng để tăng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu cà phê những tháng đầu năm tăng mạnh là do giá trị xuất khẩu bình quân của nhóm hàng cà phê tăng đã đạt mức 2.237 USD/tấn, giá trị bình quân tăng tới 26,45%. Năm 2022, cà phê Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường Mỹ, Châu Âu (Đức, Bỉ, Italia nhập khẩu cà phê Việt Nam với số lượng rất lạc quan), Nhật Bản, Vương quốc Anh...
Với giá trị kim ngạch chỉ trong vòng 2,5 tháng nhưng đã mang về trên 1 tỷ USD, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vượt qua nhóm hàng rau quả, xếp sau xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (trên 14 tỷ USD) và thủy sản (8,8 tỷ USD). Dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục là "điểm sáng" xuất khẩu trong năm 2022, dù xung đột Nga - Ukraina khiến thị trường châu Âu nhiều biến động.
Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cà phê xuất khẩu Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil, có mặt hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.