Chuyển đổi số: Kỳ vọng tăng năng suất
Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 06/04/2022
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực
Những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã có cải thiện đáng kể. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng” diễn ra ở Hà Nội mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Xét về tốc độ tăng năng suất lao động, Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%). Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia; thấp hơn 4 lần so với Trung Quốc; thấp hơn 3 lần so với Thái Lan; thấp hơn 2 lần so với Philippines và thấp hơn 26 lần so với Singapore.
Báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO -2020) cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với Nhật Bản, ước tính khoảng 60 năm, thấp so với Malaysia khoảng 40 năm và thấp so với Thái Lan khoảng 10 năm.
Kỳ vọng đòn bẩy tăng năng suất lao động từ chuyển đổi số
Trong mấy thập niên vừa qua, những nỗ lực xóa bỏ rào cản thị thường và chủ động hội nhập với thế giới đã giúp cho năng suất lao động của Việt Nam tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở châu Á, Việt Nam chưa từng trải qua một giai đoạn nào có mức tăng trưởng nhanh về năng suất.
Sự cải thiện năng suất của Việt Nam những năm vừa qua, ngoài nỗ lực tự thân, còn có sự hợp tác hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, trong đó có chính phủ Nhật Bản và APO. Chính vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam nên tiếp tục tham khảo các công cụ về cải thiện năng suất tiên tiến của thế giới, trong đó có Nhật Bản, trên cơ sở cân nhắc, lựa chọn hướng đi và điều chỉnh các giải pháp phù hợp với thực tế Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang bùng nổ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, sự thay đổi này được cho sẽ là một trong những giải pháp mang tính đòn bẩy giúp tăng năng suất lao động. Theo nghiên cứu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn 2020 - 2030, nếu tiến trình chuyển đổi số diễn ra như kỳ vọng, dự đoán trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số có thể đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Như vậy, có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng cho việc phát triển hiệu quả nền kinh tế, cải thiện và tăng nhanh năng suất lao động.
Muốn vậy, chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam cần phải tăng tốc thực hiện mang tính đột phá với những cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Cần phải đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác công tư trong chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của Chính phủ cộng hưởng với sự năng động, hiệu quả của thị trường.
Chuyển đổi số trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa kết nối công nghệ với cải cách hành chính, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội... Cần phải đánh giá được chính xác, kịp thời về mức độ, hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và doanh nghiệp để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Các bộ, ngành, địa phương phải bố trí được các nguồn lực hợp lý, hiệu quả cho công cuộc chuyển đổi số...