UOB: Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%
Trong nước - Ngày đăng : 05:39, 07/04/2022
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 1/2022 đã tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 5,22% trong quý 4/2021. Tăng trưởng ổn định này nhờ vào kết quả hoạt động tốt từ lĩnh vực sản xuất, trong khi lĩnh vực dịch vụ dần phục hồi sau khi nhiều khu vực của nền kinh tế được mở cửa trở lại khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19.
Cụ thể, lĩnh vực sản xuất tiếp tục dẫn đầu, với mức tăng 7,8% so với mức tăng 8,9% trong cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực dịch vụ tăng 4,58%, cải thiện so với 3,62% trong quý 1/2021. Các dịch vụ khác như dịch vụ liên quan đến y tế (tăng 13,22%), tài chính (tăng 9,75%), vận tải và lưu kho (tăng 7,06%)…
Lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,8% trong tháng 3/2022 so với cùng kỳ, lên 34,06 tỷ USD, còn nhập khẩu tăng 14,6%, lên 32,67 tỷ USD, xuất siêu 1,39 tỷ USD. Tính chung trong quý I/2022, xuất khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ, lên 88,58 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 15,9% lên 87,77 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại 809 triệu USD trong quý I.
Giá tiêu dùng tăng 2,41% trong tháng 3/2022. Và cũng giống như ở nhiều nước, chi phí nhiên liệu trong nước đã tăng nhanh do giá dầu thô toàn cầu tăng, vì xung đột quân sự Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong quý I/2022, tổng CPI của Việt Nam tăng 1,93% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức lạm phát cả năm là 1,84% vào năm 2021, mặc dù vẫn duy trì dưới mục tiêu 4%.
Hoạt động bán lẻ được cải thiện đáng kể trong quý I/2022 sau hai năm diễn ra đại dịch toàn cầu. Tổng doanh thu bán lẻ cải thiện lên 4,44% trong quý I/2022, sau khi tăng 3,8% vào năm 2021.
Theo Ngân hàng UOB, xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ tiếp tục diễn ra với các lệnh trừng phạt Nga vẫn được thực hiện. Điều này làm tăng thêm sự không chắc chắn đối với lạm phát toàn cầu và quỹ đạo tăng trưởng, vốn chỉ mới bắt đầu phục hồi sau hai năm đại dịch Covi-19.
Việt Nam nhập khẩu khoảng 15,8 tỷ USD sản phẩm năng lượng (bao gồm than, dầu thô, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt) vào năm 2021, chiếm khoảng 4,8% trong tổng giá trị nhập khẩu 331,2 tỷ USD trong năm. Việc tăng giá năng lượng sẽ làm tăng giá trị nhập khẩu và áp lực lạm phát. Trên thực tế, từ đầu năm đến tháng 2/2022, giá trị nhập khẩu năng lượng đã tăng lên 2,19 tỷ USD, tương đương 5,2% giá trị nhập khẩu 42,14 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 4,8% của giai đoạn 2020-2021.
Với sự khởi sắc trong các hoạt động kinh doanh, nhu cầu về các sản phẩm năng lượng sẽ tăng song song với việc tăng giá toàn cầu, các cân đối bên ngoài cũng như áp lực lạm phát sẽ bị ảnh hưởng bất lợi, do đó có thể làm giảm nhu cầu tổng thể trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hồi giữa tháng 3, Chính phủ thông báo tăng tốc thực hiện chương trình hỗ trợ tài khóa trị giá 15 tỷ USD (được khởi động vào tháng 1/2022) và được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực lên nền kinh tế. Theo chương trình này, thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đã được cắt giảm từ 10% xuống còn 8%, tương đương với việc giảm khoảng 0,6% trên các hóa đơn VAT.
Dựa trên thực tế tăng trưởng GDP quý I/2022 và dự đoán những khó khăn phía trước, UOB dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%.
Cũng theo UOB, áp lực lạm phát đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng vẫn giữ chính sách lãi suất phù hợp để hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi. UOB kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu vẫn giữ ở mức hiện tại, tương ứng với 4% và 2,5%.