Trường hợp có nguy cơ đau đầu hậu Covid-19 và cách xử lý
Sống khỏe - Ngày đăng : 09:00, 08/04/2022
Đau đầu là triệu chứng phổ biến ở người mắc Covid-19, với hầu hết biến chủng. Thậm chí, nhiều người tiếp tục bị đau đầu sau khi khỏi bệnh và tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.
Theo Tiến sĩ Chia-Chun Chiang - Phó cố vấn cao cấp kiêm Trợ lý giáo sư Thần kinh học tại Mayo Clinic, Minnesota, người bị đau đầu hậu Covid-19 thường đau nhói một bên. Ngoài ra, một số người còn nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.
"Một số bệnh nhân mô tả đó là cơn đau âm ỉ, nhẹ rồi biến mất. Nhưng cũng có trường hợp trải qua cơn đau suy nhược, tồi tệ nhất trong đời của họ, dai dẳng hằng ngày trong thời gian dài", bà Chiang nói.
Bà cũng cho biết khoảng 47% bệnh nhân bị đau đầu sau khi mắc Covid-19. Hầu hết cảm thấy cơn đau thuyên giảm sau 2-3 tháng. Tuy nhiên, một số có thể cảm nhận cơn đau trong thời gian dài hơn, lên đến 6 tháng. Dù bất kỳ ai cũng có thể mắc chứng đau đầu hậu Covid-19, người có tiền sử đau nửa đầu có nguy cơ cao hơn. Đặc biệt, họ nhận thấy cơn đau cũng gia tăng tần suất và cường độ sau khi khỏi Covid-19.
"Trước đây, họ chỉ bị 1 cơn đau nửa đầu mỗi tháng. Sau khi mắc Covid-19, họ có thể bị đau đầu suy nhược kéo dài trong 1-2 tháng", bà Chiang nói.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cách kiểm soát chứng đau đầu do Covid-19 hiệu quả là ngủ đủ giấc, đúng giờ, giảm căng thẳng và ăn uống điều độ. Ngoài ra, các bài tập thư giãn có thể hữu ích khi bạn bị căng cơ ở cổ và vai.
Để cải thiện giấc ngủ cho người từng là F0, Sổ tay phục hồi sau Covid-19 của Bộ môn Kỹ thuật phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày rất quan trọng. Thời điểm thức dậy là chìa khóa điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể. Một số biện pháp có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ gồm:
- Tìm đến nguồn sáng ngay khi thức dậy: Đây là yếu tố điều hòa nhịp thức - ngủ mạnh nhất.
- Hạn chế thiết bị điện tử 1-2 giờ trước khi ngủ: Ánh sáng xanh sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Tránh thức khuya, ngủ bù: Khi ngủ ít hơn, cơ thể có xu hướng ngủ bù vào thời điểm không phù hợp với đồng hồ sinh học. Bạn nên tránh thói quen này.
- Tập thể dục vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Tập thể dục 30 phút/ngày. Tránh tập thể dục mạnh trước khi đi ngủ 2-3 giờ.
- Thức dậy vào cùng thời điểm mỗi ngày dù bạn có một đêm không ngon giấc: Bạn không nên ngủ nướng và cố gắng ngủ sớm hơn vào đêm hôm sau; không ép mình đi vào giấc ngủ.
- Thư giãn tinh thần 1-2 giờ trước khi ngủ: Bạn có thể đọc sách và tránh uống rượu, cà phê, thuốc lá...
Ngoài ra, uống thuốc giảm đau có thể là lựa chọn hợp lý cho người bị đau đầu hậu Covid-19, nhưng nên giới hạn dưới 3 ngày/tuần. Người bệnh không nên dùng thuốc giảm đau hàng ngày vì chúng có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu do lạm dụng thuốc.
Nếu buộc phải dùng thuốc giảm đau, nên sử dụng Paracetamol và Ibuprofen. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp, đặc biệt khi bạn bị đau đầu hàng ngày.