Trái phiếu doanh nghiệp: Đến lúc mạnh tay xử lý vi phạm?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:30, 11/04/2022

Sau tăng trưởng nóng gần đây và liên tục bị cảnh báo rủi ro, các cơ quan quản lý đã bắt đầu hành động mạnh tay hơn nhằm siết lại trật tự, kỷ cương thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Theo UBCKNN, ba công ty này đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trước đó, vào ngày 10/12/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng chính là doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng khu đất có diện tích hơn 10.000m2 ở khu đô thị Thủ Thiêm, tạo ra kỷ lục mới với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm, gây xôn xao thị trường và nhận nhiều phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia lẫn dân chúng, trong đó không ít ý kiến cho rằng việc đẩy giá trên gây ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Góc khuất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang dần bị phanh phui

Góc khuất phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang dần bị phanh phui

Cũng vào tháng 12/2021, UBCKNN đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn Vset 600 triệu đồng, do phát hành trái phiếu không xin phép. Cơ quan này cũng đánh giá việc chào bán trái phiếu của Vset Group có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

UBCKNN cho biết, trước đó cũng đã xử phạt Apec Group và một công ty chứng khoán do sai phạm trong việc phát hành và cung cấp dịch vụ TPDN sai quy định. Hiện các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra tại nhiều DN và công ty chứng khoán về việc phát hành trái phiếu.

Có thể thấy, sau tăng trưởng nóng gần đây và liên tục bị cảnh báo rủi ro, các cơ quan quản lý đã bắt đầu hành động mạnh tay hơn nhằm siết lại trật tự, kỷ cương thị trường TPDN. Đây là cách làm cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường về dài hạn, bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, ngăn chặn rủi ro phát sinh từ kênh đầu tư này mà có thể làm bất ổn nền kinh tế.

Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN bất động sản, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm...

Đáng lưu ý là tổng giá trị TPDN phát hành trong hai tháng đầu năm nay lên đến 27.694 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội, hơn 80%, tương ứng với 22.185 tỷ đồng, tăng 51%, phát hành ra công chúng là 5.509 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. 

Với những biện pháp kiểm soát và xử lý vi phạm mạnh tay của các cơ quan quản lý, việc phát hành trái phiếu của các DN có thể bị ảnh hưởng trong năm nay. Tính đến cuối năm 2021, lượng TPDN đang lưu hành đạt xấp xỉ 1,39 triệu tỷ đồng, quy mô thị trường tăng mạnh từ 4,93% GDP vào năm 2017 lên tới 16,6% GDP vào cuối năm 2021.

Gia Lê