Nỗi buồn và niềm tin
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 11/04/2022
Cùng đó thì trong nước, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại rục rịch tăng lãi suất trong khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp dồn dập tăng mạnh, lãi suất cấp bù lại chưa được triển khai; việc thực thi các gói hỗ trợ cho cộng đồng doanh nhân và người dân, gồm cả chính sách và ngân sách từ hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn giảm, giãn tiến độ nộp các loại thuế, phí vẫn còn chậm khiến cả cộng đồng doanh nhân, người dân vẫn đang... mòn mỏi chờ.
Tuy nhiên, trong nhiều nỗi lo và quan tâm của doanh nhân, vẫn còn một nỗi buồn mà bất cứ trong các cuộc "trà dư tửu hậu" nào gần đây cũng được các doanh nhân đưa ra chuyện trò, đó là hàng loạt vụ vi phạm pháp luật của nhiều công ty lớn và "đại gia" có tên tuổi như vụ nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, đại gia Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Việt Á và các lãnh đạo liên quan... Đáng nói và cũng đáng buồn hơn là trong các cuộc "trà dư” đó, nhiều người còn rỉ tai nhau: "Nghe nói sắp tới, công ty này, doanh nghiệp nọ, đại gia kia cũng đang nằm trong danh sách chuẩn bị... vào lò”.
Trước hàng loạt vụ việc vi phạm, trong cộng đồng doanh nhân cũng đọng lại chút buồn. Buồn vì các vụ vi phạm luật xảy ra lại là các công ty, doanh nghiệp có tên tuổi, thương hiệu lớn, kể cả những trường hợp mà các doanh nhân "rỉ tai" nhau sắp tới "vào lò” cũng là các doanh nghiệp tên tuổi lớn. Với các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ thì việc vi phạm luật đã khó chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có thể bỏ qua và có chút "du di" vì bề nào, họ cũng chỉ là những doanh nghiệp còn "trẻ người non dạ” hoặc nói vui là "ăn chưa no, lo chưa tới". Nhưng với những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn và tầm ảnh hưởng rộng thì thật đáng tiếc.
Có một điều đáng buồn và suy ngẫm, đó là sau các vụ vi phạm, nhiều doanh nhân đều có chung một cảm giác chua xót, tiếc nuối.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao và vì đâu? Vì sao một doanh nghiệp, doanh nhân đã phải mất nhiều năm vất vả, dày công xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và cá nhân mình lại có thể phút chốc quyết định "bán rẻ” thương hiệu và uy tín của mình và công ty? Phải chăng, do luật còn kẽ hở và còn quá nhẹ dẫn đến các vụ vi phạm lại tiếp tục? Giá như năm 2017, khi vị đại gia FLC bán chui 57 triệu cổ phiếu nhưng mức phạt không phải là con số 65 triệu đồng mà nặng hơn gấp nhiều lần thì có lẽ sẽ không có việc "ăn quen bén mùi", "ngựa quen đường cũ” như hôm nay.
Lại có câu hỏi đặt ra: Phải chăng do tình hình kinh doanh quá khó khăn buộc các doanh nhân này phải nhúng chàm để cứu vãn tình thế? Phải chăng vì họ chưa thông suốt luật? Phải chăng, phải chăng?...
Song dẫu với lý do gì và lời giải thích nào thì các vi phạm vẫn phải trả giá đắt và trong lòng mỗi doanh nhân Việt Nam không thể không có chút lắng buồn. Buồn cho đồng nghiệp, anh em trong giới, buồn vì ít nhiều, uy tín, thương hiệu của cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng với đối tác và bạn bè quốc tế.
Trong lần trò chuyện với một luật sư đang tư vấn luật cho các công ty nước ngoài, tôi khá buồn khi nghe vị luật sư này chia sẻ góc nhìn về doanh nhân Việt, ông nói: "Trong số các đại gia doanh nhân Việt, có không ít người không muốn kinh doanh theo đúng nguyên lý thị trường mà chủ yếu chỉ đầu tư vào các mối quan hệ với anh Ba, anh Bảy... rồi đẻ ra nhiều mối quan hệ chằng chịt, lợi ích nhóm. Điều này, không chỉ làm tổn hại cho uy tín cá nhân, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mà còn gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng từ các vụ việc được xử lý, trong cộng đồng doanh nhân Việt lại có nhiều hơn niềm tin vào pháp luật và hy vọng luật pháp đang nghiêm minh. Điều đó cũng có nghĩa từ nay và sắp tới, luật sẽ nghiêm minh và công bằng, để từ đó sẽ không còn các vụ việc vi phạm xem thường pháp luật của giới doanh nhân, doanh nghiệp.
Mới đây, tại buổi tổng kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ban nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã khẳng định: "Các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế được xử nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Với các vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và đang được xử lý nghiêm minh, kịp thời đã có tác dụng xã hội rất tốt".