Quyết tâm từ phía doanh nghiệp là chưa đủ
Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 13/04/2022
Ông Đào Trọng Cường - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương |
* Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng CMCN 4.0?
- Khảo sát của Bộ Công Thương cách đây hai năm cho thấy, các doanh nghiệp có mức độ tiếp cận CMCN 4.0 còn thấp, cụ thể là thiếu chiến lược, kế hoạch cụ thể để tiếp cận, đặc biệt là về đầu tư, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm thông minh, dịch vụ dựa trên dữ liệu...
Bộ Công Thương đang xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030, trong đó tập trung xây dựng năng lực, hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp trong ngành công thương, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và tận dụng thành công các cơ hội của CMCN 4.0.
* Cụ thể, đề án đó như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện theo phân công của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021-2030. Với quan điểm lấy doanh nghiệp là trung tâm, đề án sẽ tập trung giải quyết các thách thức cơ bản khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và triển khai sản xuất thông minh từ góc độ thể chế và quy định quản lý, phương pháp và công nghệ, từ vấn đề con người tới tài nguyên số và hạ tầng số, đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp.
Hai nhóm vấn đề lớn tập trung giải quyết gồm:
(i) Thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; đồng thời có các chính sách ưu đãi có tính đặc thù, đột phá, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng. Hình thành liên minh công nghiệp - công nghệ số, công nghệ nền tảng dựa trên các doanh nghiệp, sản phẩm chuyển đổi số trong nước và các doanh nghiệp đầu chuỗi.
(ii) Hỗ trợ phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp: Phát triển nguồn nhân lực số, hình thành các nguồn tài nguyên và hạ tầng số dùng chung; đầu tư phát triển các nền tảng và công cụ, giải pháp công nghệ cho phép doanh nghiệp cá thể hóa giải pháp chuyển đổi số và triển khai một số dự án chuyển đổi số mẫu có tính đại diện để lan tỏa kinh nghiệm, đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, dẫn dắt phong trào chuyển đổi số.
* Ông khuyến nghị gì với doanh nghiệp để ứng dụng CMCN 4.0?
- CMCN 4.0 không đơn thuần là đưa công nghệ mới nào vào sản xuất, kinh doanh, mà cần nhìn nhận đó là một yếu tố, một điều kiện mới tác động tới mỗi doanh nghiệp, là cơ hội để định hướng lại chiến lược phát triển. Ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ tạo ra được những bước phát triển đột phá.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải quyết tâm cao, bên cạnh đó cần có vai trò "bà đỡ” hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, có những cơ chế, chính sách thích hợp để thúc đẩy.
* Cảm ơn ông!