Xuất khẩu vào Iran: Nắm vững đặc điểm thị trường

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:00, 14/04/2022

Thị trường Iran nhiều tiềm năng, nhất là một số nông sản của Việt Nam. Muốn khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp (DN) cần nắm vững thông tin và các yếu tố mang tính đặc thù trong quan hệ giao thương với các đối tác.

Iran có gần 86 triệu người, là một thị trường tiêu thụ hàng hóa khá lớn. Theo số liệu của cơ quan hải quan Iran, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này (không bao gồm xuất khẩu dầu thô) đạt khoảng 72,1 tỷ USD (tăng 38% so với năm 2020), trong đó nhập khẩu chiếm khoảng 52% (khoảng 38 tỷ USD). Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm. Đó là cơ hội tiềm năng cho nhiều loại nông sản thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này.

Tại phiên tư vấn xuất khẩu vào thị trường Iran do Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Iran tổ chức ngày 1/4/2022, ông Nguyễn Thành Long - Phó bí thư thứ ba Thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết, người Iran quý trọng Việt Nam và khá ưa chuộng hàng hóa Việt Nam. Các loại nông sản của Việt Nam như chè, cà phê, hạt tiêu, điều nhân, cá tra phi lê, hoa quả có tiềm năng xuất khẩu sang Iran.

xuat-khau-8546-1649819894.jpg

Để tạo nền tảng pháp lý cho cộng đồng DN hai nước hợp tác giao thương, đến nay Việt Nam và Iran đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác, như thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định về thương mại, trong đó có điều khoản MFN (điều khoản tối huệ quốc), thành lập ủy ban hỗn hợp cấp chính phủ. 

Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn còn rất hạn chế, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đến nay mới chỉ đạt khoảng 100 triệu USD/năm. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Iran cũng như mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bà Nguyễn Thị Hiền Giang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng, một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Iran cho biết, Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông, Trung Á, khu vực Caucasus với khoảng 350 triệu dân. Chỉ tính riêng một số loại hoa quả nhiệt đới, mỗi năm Iran nhập khẩu khoảng 470.000 tấn (trị giá khoảng 700 triệu USD). Nếu làm tốt công tác thị trường, DN Việt Nam có thể xuất khẩu thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi... sang thị trường Iran.

Làm ăn với các đối tác Iran, khi đàm phán ký kết hợp đồng, tùy theo giá trị đơn hàng, DN Việt Nam có thể thỏa thuận chuyển tiền trước khoảng 20% (nếu là đối tác lâu năm), thanh toán trước 100% (đối tác mới vẫn có thể chấp nhận).

Xuất khẩu hàng hóa vào Iran chưa được khai thác hiệu quả, nguyên nhân bởi DN Việt Nam thiếu thông tin về thị trường này. Bên cạnh đó, do Iran đang bị cấm vận, nên việc làm ăn với các đối tác Iran, khâu thanh toán phải thông qua trung gian nước thứ ba, nên cũng có những yếu tố trở ngại và làm tăng chi phí đối với DN Việt Nam.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Iran, trong giao thương quốc tế, người Iran chú trọng kết nối trực tiếp với đối tác. DN Việt Nam muốn khai thác thị trường Iran, muốn làm ăn lâu dài với doanh nhân Iran, nên tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế tại Iran và khu vực có liên quan để kết nối, tìm hiểu thị trường. Hàng hóa nhập khẩu vào Iran phải tuân thủ các tiêu chuẩn GMP, ISO, HACCP, Phyto, Health. Thương vụ Việt Nam tại Iran là một kênh hỗ trợ tin cậy cho DN Việt Nam thẩm định đối tác, cung cấp thông tin thị trường, các tiêu chuẩn, quy định về hàng hóa nhập khẩu của Iran.

"Xuất khẩu vào Iran cần lựa chọn các mặt hàng không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của Iran, chuẩn bị tốt đơn hàng, thường xuyên kết nối với đối tác qua các kênh, lựa chọn và đàm phán phương thức thanh toán phù hợp. Nếu khéo léo trong đàm phán với người Iran sẽ có cơ hội kinh doanh tốt", bà Nguyễn Thị Hiền Giang chia sẻ.

Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Iran, kinh nghiệm làm ăn với các đối tác Iran, khi đàm phán ký kết hợp đồng, tùy theo giá trị đơn hàng, DN Việt Nam có thể thỏa thuận chuyển tiền trước khoảng 20% (nếu là đối tác lâu năm), thanh toán trước 100% (đối tác mới vẫn có thể chấp nhận). Có thể lựa chọn các phương thức thanh toán hàng đổi hàng hay nhận tiền giao chứng từ. An toàn nhất là phương thức thanh toán L/C, song hầu như không được các đối tác Iran sử dụng, lý do bởi thủ tục mở L/C chậm, người mua phải ký quỹ đôi khi vượt quá giá trị đơn hàng.

Lan Ngọc