Bí thư Nguyễn Văn Nên: Kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của doanh nhân

Trong nước - Ngày đăng : 03:22, 15/04/2022

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo của doanh nhân.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Kinh tế số đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của doanh nhân

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, chúng ta đang sống ở thế giới có hai nền kinh tế: kinh tế kỹ thuật số và truyền thống.  Trong đó kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, áp đảo. TP.HCM đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP.HCM.

Tuy nhiên, đại dịch làm đứt gãy sự tăng trưởng, đà tăng trưởng mạnh mẽ của Thành phố. Năm 2021, đại dịch Covid-19, gây tổn thất cả về kinh tế xã hội và con người. Riêng trong quý III/2021, kinh tế trên địa bàn giảm khoảng 25%, đến quý IV/2021 giảm 11,6%, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm giảm 6,78%.

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, TP.HCM từng bước mở cửa kinh tế theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Nhờ chủ trương đúng đắn của Trung ương cùng với tinh thần đồng thuận của nhân dân, sự năng động của doanh nghiệp cùng sự nỗ lực và sáng tạo của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, đến nay đời sống kinh tế - xã hội Thành phố đang khởi sắc và dần dần trở lại sự hoạt động bình thường. Quý I/2022, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý IV/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước. 

Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thức đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. 

“Chúng ta thường nói trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP.HCM đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của Thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết.

Kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. 

“Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, Diễn đàn Kinh tế hôm nay có ý nghĩa quan trọng đối với TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm kiếm mô hình chuyển đổi số tối ưu nhất. Cùng với đó, Thành phố sẽ kiến tạo cơ chế, chính sách chuyển đổi số để phát triển kinh tế số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” xoay quanh 4 chủ đề:

- Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030.

- Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030.

- Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp.

- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

H.Ng