"Hành trang lập nghiệp qua những trang sách" đến Trường ĐH Mở TP.HCM

Start up - Ngày đăng : 01:32, 18/04/2022

Hành trang lập nghiệp qua những trang sách là chương trình mang sách đến các trường đại học của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Sáng ngày 15/4, chương trình này đã đến Trường ĐH Mở TP.HCM.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tại hội thảo

Chương trình đã thu hút đông đảo sinh viên yêu thích đọc sách và muốn học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp đến tham gia. Đồng hành cùng với ban tổ chức là hai diễn giả giàu kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp và kinh doanh trong nước và quốc tế, đó là bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM, chủ thương hiệu MORI và ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.

ĐH Mở xây dựng tủ sách bằng cách thu nhận sách cũ

Hành trang lập nghiệp qua những trang sách không chỉ giúp sinh viên nhận biết giá trị tinh thần quý báu từ những cuốn sách mà còn khuyến khích thói quen đọc sách cho giới trẻ ngày nay. Mỗi một cuộc hội thảo do chương trình tổ chức có sự tham gia của các diễn giả doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm của mình không chỉ bổ ích cho sinh viên nói riêng và còn tác động tích cực đến cộng đồng nói chung. Thông qua chương trình này, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn còn khuyến khích các trường đại học nên đưa những bài học khởi nghiệp và kinh doanh của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vào chương trình giảng dạy. 

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn nhận xét: "Hiện nay các trường đại học của Việt Nam đều đang sử dụng những gương doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Về mặt truyền thông và truyền cảm hứng thì doanh nhân nước ngoài họ làm rất tốt, tuy nhiên kinh nghiệm của họ chỉ ứng dụng được vào nước ta khoảng 60 - 70% vì những mặt khác biệt như thể chế, văn hóa. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các trường đại học ở Việt Nam trong đó có Trường ĐH Mở TP.HCM nên nghiên cứu tình huống và đưa sách doanh nhân Việt Nam vào chương trình giảng dạy cho sinh viên. 

Để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần phải học gương doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở một số điểm. Vì vậy Hành trang khởi nghiệp qua những trang sách mong muốn và khuyến khích các sinh viên đọc sách doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó tôi cũng muốn tạo thói quen đọc sách cho các bạn trẻ Việt Nam, vì khi đọc sách các bạn sẽ được mở rộng kiến thức, có nhiều thông tin và sự quan sát tổng quát để phục vụ học tập hay một công việc nào khác trong tương lai".

Đáp lời ông Hoàng, nữ sinh viên Lê Thị Diễn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) OU Green Plus của Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết hiện nay CLB đã trưng bày nhiều tủ sách miễn phí để ai cũng có cơ hội mượn sách để đọc. Để phong phú thêm tủ sách, CLB  cũng đang thu nhận sách cũ và nhận về hơn 500 quyển sách. Việc thu nhận sách cũ không chỉ là món quà tinh thần cho người nhận sách mà còn là việc làm hữu ích của người trao tặng. Phát huy tinh thần khuyến đọc, CLB tiếp tục phát triển hoạt động trao và thu nhận sách cũ, đồng thời đặt tủ sách ở nhiều nơi trong trường để thuận tiện cho sinh viên. 

Chủ doanh nghiệp phải hiểu khách hàng và thị trường 

Bà Phan Thị Tuyết Mai. Tổng giám đốc công ty TMTM

Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc công ty TMTM

Giao lưu với sinh viên của Trường ĐH Mở TP.HCM, bà Phan Thị Tuyết Mai đã lấy câu chuyện khởi nghiệp của bản thân và Starbucks để truyền cảm hứng cho sinh viên. Bà thổ lộ: Tôi là một người yêu nấu ăn, tôi muốn truyền tải câu chuyện của mình qua cuốn sách viết sách bằng tiếng Anh để thế giới biết đến món ăn của người Việt ra sao. Tôi dốc hết trái tim khi làm việc, bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất bằng sự đam mê, nên tôi tin là thành công sẽ đến như bao thương hiệu khác. Cuốn sách tôi viết ra không phải để bán mà đơn giản tôi chỉ muốn truyền cảm hứng cho người đọc và quảng bá món ăn Việt Nam ra thế giới, để người nước ngoài biết đến món ăn Việt Nam như thế nào, biết cây chùm ngây là gì? Đây không phải là cuốn sách dạy thành công. Quan trọng hơn là mục đích tôi viết ra cuốn sách này để cám ơn người, cảm ơn cuộc đời như lời mở đầu cuốn sách: Cảm ơn những nguời đã đồng hành với mình trong đó có những người nông dân. Bên cạnh đó, tôi viết ra cuốn sách này để hàng ngàn hộ dân nghèo vùng sâu vùng xa biết cách thức chăm sóc những nông sản của họ cho thật tốt từ đó sẽ tạo ra sản phẩm dinh dưỡng cao. 

Giải đáp một câu hỏi từ sinh viên, bà Mai cho biết để công ty vận hành một cách suôn sẻ trong các khâu xuất- nhập thì bản thân chủ doanh nghiệp cần phải hiểu khách hàng của mình, thị trường của mình, vì có một số nước cách sinh hoạt hoàn toàn khác chúng ta. Bà cũng nhắn nhủ các bạn sinh viên khi lựa chọn công việc hay nghề nghiệp hãy chọn con đường ngay thẳng, đúng đắn thì mới có thể đi đường dài.

Khởi nghiệp bằng cách rèn luyện tác phong và học cách cảm ơn, xin lỗi

phuc-sinh-gr-2340-1650081248.jpg

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group

Là một doanh nhân có kinh nghiệm lâu năm trên thương trường trong nước và quốc tế, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group bày tỏ: Nếu các bạn có dự án nào đó thật hấp dẫn và các bạn nghĩ rằng người khác sẽ ủng hộ mình thì đó mới chỉ là tiền đề. Tôi thấy hiện nay các bạn trẻ cần kiên trì nhiều hơn, nên có nhiều trải nghiệm hơn. Tôi muốn nói rằng, hiện nay trên các phương tiện truyền thông, các bạn sử dụng ứng dụng chat nói chuyện, ứng dụng dịch thuật là các bạn đang có cơ hội kinh doanh trên thị trường. 

Trong cuốn sách “Vượt lên những con đường kinh doanh” của ông Thông có đề cập đến kinh nghiệm đòi nợ quốc tế nhờ vào sự kiên trì và ứng dụng phương tiện truyền thông. Ông còn chia sẻ thêm là bên cạnh việc bảo đảm sản phẩm chất lượng, các bạn khi đã đi làm cần phải giữ tác phong, cách hành xử chuyên nghiệp, việc học xin lỗi và cảm ơn cũng là điều quan trọng. Kinh nghiệm của ông Thông là trước những đối tác khó tính như người Nhật, họ không chỉ đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt mà họ còn coi trọng hình thức tác phong của đối tác, vì vậy muốn thành công trên thị trường Nhật Bản cần phải rèn luyện tác phong và cách ứng xử. 

Thị Vân