Chìa khóa để phát triển kinh tế số tại TP.HCM
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 04:08, 18/04/2022
Đưa những môn học có liên quan công nghệ mới vào trường học
Kinh tế số giúp tăng suất lao động, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40% GRDP. Không chỉ vậy, thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP.HCM sẽ nhanh chóng đưa thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” cuối tuần rồi, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, khi chuyển đổi số thành công, TP.HCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống và làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến tại nhiều thành phố phát triển, mà còn có tiềm năng trở thành “viên ngọc lấp lánh” với những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse...
Theo ông Trương Gia Bình, TP.HCM sở hữu nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và có sẵn nền tảng để biến những khát vọng này thành sự thật. Cụ thể, hiện TP.HCM là ngọn cờ đầu về công nghệ thông tin, là nơi ứng dụng các công nghệ mới hiệu quả nhất, đồng thời là kho dữ liệu tốt nhất trong nước. Ông Bình đề nghị: "Tôi đề nghị TP HCM dành ít nhất không dưới 2% ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số".
Tiến sĩ Philipp Rösler - nguyên Phó thủ tướng Đức, Cố vấn VinaCapital Ventures, đề xuất xây dựng TP HCM là "thành phố kỳ lân về công nghệ". Để làm việc này, theo ông nên bắt đầu tăng cường đào tạo nghề về kỹ thuật công nghệ. Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng đồng ý và nhấn mạnh cần sớm chuyển đổi số trong chính hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển các trường học số.
Doanh nghiệp công nghệ giới thiệu các công nghệ mới cho khách tham quan tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 |
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chính quyền sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), sau đại dịch Covid 19, hoạt động chuyển đổi số diễn ra rất tích cực và sôi nổi trong cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm ngành. Ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ nhất hiện nay là các DN tài chính, ngân hàng, vận tải, sản xuất, y tế, bán lẻ và các DN thành lập mới theo mô hình đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, chuyển đổi số không phải chỉ là việc mua và ứng dụng các giải pháp công nghệ mà là thay đổi toàn diện mô hình hoạt động dựa trên 3 yếu tố: tăng trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình và định hướng kinh doanh dựa trên dữ liệu. Từ đó, những sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện và tạo ra sự khác biệt.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Khoa, các DN truyền thống cần thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số trước, sau đó là phần tham gia của các chuyên gia, DN cung cấp nền tảng, giải pháp công nghệ. Nền kinh tế số là hệ sinh thái rộng lớn, hoàn toàn đủ chỗ cho tất cả các thành phần, dù Nhà nước hay tư nhân, dù truyền thống hay startup.
Cơ hội để kinh tế TP.HCM bứt phá đã có, ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty FSI cho rằng, cộng đồng DN, cần chủ động lĩnh hội và linh hoạt triển khai các mô hình kinh doanh mới trên cơ sở vận dụng tối đa khung pháp lý hiện có chứ không chờ đợi Nhà nước ban hành chính sách rồi mới triển khai. Không chỉ vậy, DN cũng phải đồng hành, phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc nghiên cứu và ban hành các chính sách pháp lý mở đường cho các mô hình kinh doanh đổi mới thông qua các diễn đàn chính sách, các hiệp hội ngành nghề, và cả trong cuộc gặp trực tiếp.
Nhiều công nghệ mới của doanh nghiệp trong nước "trình diện" tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 |
Bên cạnh việc DN thay đổi tư duy, ông Nguyễn Hùng Sơn mong chính quyền thành phố nhanh chóng ban hành các chính sách cho phép và khuyến khích mô hình kinh tế số trong mọi lĩnh vực. Hiện rất nhiều DN sẵn sàng đầu tư nguồn lực phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ cho người dân từ y tế, giáo dục tới mua bán, giải trí theo mô hình hợp tác giữa DN và cơ quan Nhà nước, sau đó thu phí từ người sử dụng dịch vụ.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu, tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, TP.HCM cần tiếp tục chú trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng số lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết bị dùng chung, đẩy nhanh số hóa. Thành phố cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc biệt ưu tiên thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ số giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công nghiệp.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số. Trong đó, có những nội dung Nhà nước phải tham gia, có những nội dung DN là nền tảng, đặc biệt DN công nghệ thông tin- viễn thông phải tham gia, thậm chí phải giảm phí, hay cung cấp dịch bằng 0 để giúp nền tảng vận hành. Cơ chế chính sách nào thuộc thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ làm ngay, còn cái nào vượt thẩm quyền thì thành phố sẽ kiến nghị Trung ương.