Đảm bảo an toàn lao động khi nới trần giờ làm thêm
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 19/04/2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Theo nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ; số giờ làm thêm trong 1 tháng trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ. Trừ các trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...
Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua khảo sát có những doanh nghiệp tới 20% thậm chí 70% số lao động nhiễm Covid-19 dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ trong thời điểm 1 tuần hoặc nửa tháng. Trước thực tế này, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, công ty có ý kiến, giải pháp hỗ trợ. Nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp đáp ứng được những đơn hàng trong thời điểm như hiện nay.
Qua khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp dệt may, da giày giảm 30-50% lao động trong khi vẫn cần bảo đảm đơn hàng. Nếu không có chính sách để doanh nghiệp phục hồi thì dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động cũng mong muốn được thỏa thuận giờ làm thêm để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200-300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc. Về phía người lao động, qua khảo sát, đa số đồng tình và muốn tăng giờ làm thêm vì thời gian qua, doanh nghiệp ngừng làm việc thì người lao động cũng ngừng việc, thậm chí nhiều người phải về quê.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về nới trần giờ làm thêm được dư luận đồng tình và nhận định là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hậu Covid-19 khiến sức khỏe người lao động giảm sút, xuất hiện tình trạng mất ngủ, mất tập trung… Vì vậy, việc nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế, trong thời gian ngắn. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì quay lại quy định theo Bộ Luật Lao động. Bởi mục tiêu lâu dài vẫn là phải ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng năng suất, tăng lương, giảm giờ làm.
Cục An toàn lao động cũng lưu ý, đây là trần giờ làm thêm, không bắt buộc và phải có sự chấp thuận của người lao động thì chủ sử dụng lao động mới được sử dụng. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động, về lâu dài cần có những nghiên cứu tổng thể để quy định giờ làm thêm phù hợp với thể chất của người lao động; đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động; tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khỏe hậu Covid-19 cho người lao động… Có như vậy vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, câu chuyện đảm bảo việc làm cho người lao động rất cấp bách. Nới trần giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế. Hết năm nay, sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ Luật Lao động kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động trong giờ làm thêm. Giới chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, ép người lao động làm thêm quá nhiều, cơ quan chức năng và tổ chức đại diện cho người lao động cần thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.