Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2022: Không để nhà đầu tư phải tự "thông thái"

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 23/04/2022

Nhà đầu tư (NĐT) thường bị hấp dẫn bởi lãi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao. Và, NĐT cá nhân kể cả có kiến thức tài chính cũng rất khó có thể thẩm định được sự an toàn của một đợt phát hành đến đâu, nếu không thông qua các tổ chức phát hành uy tín.

An toàn quan trọng hơn lãi suất 

Dù Bộ Tài Chính liên tục cảnh báo nhưng các NĐT cá nhân thiếu hiểu biết về thị trường vẫn liên tục "sập bẫy" lời mời gọi và chào bán trái phiếu "lãi suất cao, đầu tư ngắn hạn". Theo một chuyên gia kinh tế, rủi ro lớn nhất với khách hàng khi mua TPDN này là tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán: không có khả năng trả lãi hoặc hoàn trả gốc khi đến hạn, hay vi phạm các nghĩa vụ quy định trong các văn kiện trái phiếu.  

Vấn đề là đa số NĐT cá nhân thường không đủ kiến thức tài chính hoặc thiếu thông tin để có thể thẩm định sự an toàn của một đợt phát hành. Để tránh rủi ro mua phải "trái phiếu rác" (junk bond), chuyên gia này cho rằng, người mua nên tìm đến các trái phiếu được phát hành qua các tổ chức bảo lãnh phát hành uy tín, hoặc được chào bán bởi các ngân hàng, bởi lẽ các tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức tín dụng sẽ đánh giá - thẩm định - đầu tư – bán lại cơ hội đầu tư đến khách hàng cá nhân, và bản thân ngân hàng phải thực hiện đánh giá, xếp hạng nghiêm túc như một khoản vay. Cụ thể, ngân hàng phải xem xét đến mục đích, tài sản đảm bảo và các cam kết đảm bảo khác để giảm thiểu rủi ro mất vốn cho NĐT.  

Một chuyên gia khác, bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Cao cấp Tư vấn và Kinh doanh của Cty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), chia sẻ: "NĐT chỉ nên 'chọn mặt gửi vàng' mua trái phiếu của những doanh nghiệp lớn, thông qua các tổ chức tài chính hàng đầu phát hành. Lúc đó, khoản đầu tư trái phiếu của người mua mới thực sự an toàn, linh hoạt và tiện ích".

Về nguyên tắc an toàn và hiệu quả, NĐT nên nắm giữ trái phiếu hết hành trình 2-3 năm và nhận lãi suất cố định có thể trả 3-6 tháng, hoặc 1 năm 1 lần.

Đơn cử từ TCBS, ngay từ khâu lập hồ sơ trái phiếu, đội ngũ chuyên gia tài chính, luật pháp và quản trị rủi ro của TCBS sẽ đưa vào các điều khoản bảo vệ NĐT bằng cách: quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành trong việc duy trì các chỉ số tài chính lành mạnh, cung cấp thông tin định kỳ và bất thường, duy trì giá trị của tài sản bảo đảm so với dư nợ trái phiếu, dự phòng trả nợ gốc và lãi trái phiếu hoặc kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp để đảm bảo trả nợ.

TCBS giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro trên bằng việc lựa chọn trái phiếu hàng đầu thị trường như Vingroup, Masan… để phân phối, và có quy trình thẩm định chặt chẽ để đảm bảo trái phiếu lựa chọn là an toàn. TCBS đồng hành cùng khách hàng từ khi chào bán đến khi đáo hạn. 

Bích Ngọc